Cuối năm 1983, đang chuẩn bị số báo Tết Giáp Tý, thì tôi bị tai nạn phải đi nằm bệnh viện. Anh Nguyễn Dân Quyền, nguyên giáo viên trường văn hóa quân khu được điều về thay tôi làm Thư ký toà soạn báo Quân khu 7.
Đầu năm 1984, ra viện, tôi về cơ quan thì được giao nhiệm vụ cùng anh Phan Thanh Dũng, cựu phóng viên điện ảnh Quân giải phóng, đang là phóng viên quay phim thuộc phòng Tuyên huấn xây dựng chương trình truyền hình Quân khu 7 phát trên sóng của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Mai Bá Thiện, Phó phòng Tuyên huấn, phụ trách khối tuyên truyền phân công tôi ra Hà Nội làm việc với Cục Tuyên huấn (TCCT) báo cáo kế hoạch và xin kinh phí; còn anh Phan Thanh Dũng liên hệ với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh về sản xuất chương trình, lên lịch phát sóng.
Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng trong một lần về thăm tòa soạn Báo - Truyền hình Quân khu 7. Ảnh: D.Q
Thế là tôi “khăn gói quả mướp” lên đường. Dạo ấy “cỡ” cán bộ như tôi không có tiêu chuẩn “đi” máy bay dân sự, nên phải liên hệ với anh Phụng Dương, thường trực Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu tại thành phố Hồ Chí Minh đi máy bay quân sự. Cầm vé trong tay, nhưng mấy lần ra sân bay thời tiết xấu lại về.
Cuối cùng tôi cũng ngồi trên chiếc C130 chiến lợi phẩm, cũ kỹ, kềnh càng như con cá mập già. Tôi nhớ không lầm, tháng giêng năm 1979, trong chiến dịch Tổng tiến công giúp bạn giải phóng đất nước thoát khỏi họa diệt chủng, tôi đã có dịp “đi” trên chiếc máy bay này từ sân bay Siêm Riệp về Tân Sơn Nhất, khi gia đình tôi có sự cố đặc biệt.
Sau hơn 5 giờ bay, kể cả đáp xuống Đà Nẵng lấy hàng, chúng tôi đến Gia Lâm. Thời tiết vẫn xấu. Máy bay phải “khó nhọc” lắm mới hạ cánh được xuống sân bay quân sự vừa cũ kỹ vừa chật hẹp.
Tôi đi thẳng vào nhà khách Bộ Quốc phòng ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) chờ vào làm việc với Cục Tuyên huấn. Sáng hôm sau, theo hẹn tôi vào “thành” gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Thái. Tôi đã nghe tiếng vị tướng điềm đạm, nhân hậu quê Thái Bình này từ lâu.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi được bổ sung về Sư đoàn 5 làm trung đội trưởng thì ông đã là Chính ủy Sư đoàn 7. Khi tôi về làm Báo Quân khu 7 thì Thiếu tướng Nguyễn Văn Thái làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tuyên huấn TCCT. Mỗi lần vào công tác ở Quân khu 7, thế nào ông cũng giành thời gian xuống thăm báo quân khu, gặp lại các cựu phóng viên báo Quân giải phóng và điện ảnh Quân giải phóng miền Nam như: Nguyễn Viết Tá, Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Vũ Xiêm, Phan Thanh Dũng, Dương Minh Quang, Phùng Bất Diệt...- những nhà báo, chiến sĩ đã thân thiết với ông từ lâu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng.
Ngoài giấy giới thiệu của quân khu, anh Mai Bá Thiện còn viết cho tôi một lá thư tay, dặn đưa trực tiếp cho Cục trưởng Thái.
Ông Thái tiếp tôi thật thân tình. Xem xong công văn và thư tay của anh Thiện, ông Thái chỉ cho tôi cặn kẽ mọi việc để có thể ra mắt chương trình truyền hình của quân khu trong thời gian sớm nhất.
Về kinh phí, Cục trưởng Thái nói:
- TCCT đồng ý chủ trương, Cục Tuyên huấn sẽ rót kinh phí, nhưng chỉ là tượng trưng thôi. Quân khu phải đầu tư nhiều thì chương trình mới “sống” lâu dài được.
Sau này về trực tiếp làm chương trình, tôi mới ngộ ra, đúng là “chơi” cái anh truyền hình này tốn kém thật. Đầu tiên là mua sắm máy móc trang thiết bị và sau đó là việc chi dài dài cho sản xuất các chương trình truyền hình, các sự kiện ...
Được tin Tổng cục Chính trị chấp thuận, các anh trong Bộ Tư lệnh quân khu và Cục Chính trị mừng lắm. Anh Mai Bá Thiện phân công tôi làm biên tập, còn anh Phan Thanh Dũng - một trong ít người được phong nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên của Quân khu 7, phụ trách sản xuất chương trình kiêm đạo diễn và ghi hình.
Nhận nhiệm vụ tôi rất lo. Nghề báo in tôi có chút ít kinh nghiệm, còn truyền hình thì hoàn toàn mới mẻ. Tôi bàn với anh Dũng xây dựng một chương trình truyền hình có thời lượng chừng 30 phút. Trọng tâm nhất là tin.
Quân khu 7 đất rộng, người đông, lại đảm nhiệm hướng quan trọng làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia nên phần tin phải được đầu tư sâu. Kế đó là phần bài. Phải có các phóng sự, ghi nhanh mang hơi thở của cuộc sống và đôi khi phải có các bài phỏng vấn, điều tra nhân một sự kiện nào đó.
Xây dựng xong chương trình, lại thêm một việc khó nữa là lấy đâu ra người làm. Anh Phan Thanh Dũng, phóng viên kỳ cựu trong chiến tranh, nhưng tuổi đã lớn, cần lực lượng trẻ để tác nghiệp, nhất là vùng biên giới, hải đảo và cả mặt trận làm nghĩa vụ quốc tế nữa.
Rất may, chúng tôi chọn được hai chiến sĩ vừa nhập ngũ vốn là phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Long An là Thành và Tăng. Thế là chỉ chừng ấy con người mà phải đảm bảo mỗi tuần một chương trình với thời lượng 30 phút, (chưa kể những vấn đề thời sự nóng) là điều khó khăn lắm. Tôi không chỉ làm biên tập mà đôi khi phải trực tiếp cầm micoro, làm cả MC nữa.
Công việc đang đi vào nền nếp thì tôi được phân công trở lại báo quân khu tiếp tục làm Thư ký toà soạn thay anh Nguyễn Dân Quyền nhận nhiệm vụ khác. Dù không còn trực tiếp làm truyền hình nhưng báo Quân khu và tổ truyền hình là anh em một nhà, chúng tôi vẫn phối hợp tác nghiệp nhịp nhàng, hiệu quả.
Đã 30 năm trôi qua, bây giờ báo Quân khu 7 và truyền hình Quân khu 7 đã là một. Từ trang thiết bị nghiệp vụ đến đội ngũ những người làm báo đã có bước trưởng thành hơn trước rất nhiều.
Ba mươi năm qua, chương trình truyền hình Quân khu 7 đã không ngừng được cải tiến, mỗi tuần xuất hiện đều đặn trên kênh 9 của Đài Truyền hình TP.HCM, Kênh Quốc phòng Việt Nam và các đài truyền hình, phát thanh địa phương. Đó là kết quả của sự quan tâm đặc biệt của TCCT, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Cục Chính trị quân khu; Thành ủy, UBND TP.HCM, trực tiếp là Đài Truyền hình TP.HCM và các cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Chúng ta không thể quên các anh chị ở Đài Truyền hình TP.HCM đã giúp đỡ xây dựng chương trình truyền hình Quân khu 7 từ những ngày đầu như các anh chị: Dương Minh Nguyên, Phạm Khắc, Đinh Phong, Trương Nghĩa Tiến, Mã Diệu Cương, Phạm Khánh Toàn, Khải Hoàn...
Chúng ta cũng không bao giờ quên những người có công đóng góp để chương trình truyền hình quân khu ra đời như cố nhà báo Mai Bá Thiện; nhà văn đại tá Minh Khoa, đại tá Đoàn Thành... Đặc biệt NSƯT Phan Thanh Dũng...
Là một trong những người đầu tiên có mặt xây dựng chương trình truyền hình Quân khu7 từ thuở ban đầu, chúng tôi rất vui mừng và tự hào về thế hệ nối tiếp hôm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và 70 năm ngày thành lập Quân khu 7, xin chúc các bạn đồng nghiệp báo và Truyền hình Quân khu 7 đoàn kết, gặt hái nhiều thắng lợi; xứng đáng là những người kế tục báo Quân Giải phóng và Điện ảnh Quân Giải phóng Miền Nam trên mảnh đất Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.
TRẦN THẾ TUYỂN