Ngày 4/4, EuroCham công bố Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 1/2025. Khảo sát BCI do Decision Lab thực hiện từ ngày 10-27/3, trước khi Mỹ công bố các mức thuế quan đối ứng mới cũng như trước hàng loạt thay đổi nhanh chóng trong chính sách thương mại thế giới.
68% sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết kết quả khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 1 ghi nhận phần lớn doanh nghiệp châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như hiện nay.
Dù vậy, họ vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng các căng thẳng thương mại toàn cầu.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam.
Cụ thể, khảo sát BCI do Decision Lab thực hiện từ ngày 10 đến 27/3 cho thấy tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý 1 có dấu hiệu cải thiện nhẹ so với các quý trước.
42% doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập về môi trường kinh doanh, cho thấy ưu tiên cảnh giác trước những thay đổi đang diễn ra trên thế giới.
“Chỉ số Niềm Tin Kinh Doanh của quý này ghi lại một khoảnh khắc hiếm hoi – ngay trước khi làn sóng thuế quan đổ ập xuống nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý ổn định nhưng cẩn trọng, lạc quan nhưng đề phòng”, ông Thue Quist Thomasen, CEO của Decision Lab nhìn nhận.
Thực tế, tại thời điểm khảo sát, đại diện EuroCham cho biết kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, cùng với những dự báo tích cực về GDP (được 37% doanh nghiệp đề cập), góp phần trấn an các nhà đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao các cơ hội thương mại và đầu tư (24%), cùng sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và du lịch (18%) như những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là yếu tố chi phối tâm lý chung. Hơn một nửa số doanh nghiệp coi suy giảm kinh tế toàn cầu và biến động trong thương mại quốc tế là những mối lo ngại hàng đầu. Trong khi đó, 36% chỉ ra rằng sự không chắc chắn trong chính sách quản lý và quy định pháp lý đang kìm hãm triển vọng kinh doanh của họ.
Dù 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện cam kết lâu dài, nhưng tỷ lệ này đã giảm 7 điểm % so với quý 4/2024 - cho thấy thái độ thận trọng hơn từ phía doanh nghiệp châu Âu trong việc tiếp cận môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng được 37% doanh nghiệp được coi là ưu tiên hàng đầu.
68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính (29%) nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài (24%); cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật (21%). Những ưu tiên này cho thấy các doanh nghiệp châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy các cải cách nội bộ và đối mặt với những thách thức từ bên ngoài, ông Bruno Jaspaert nhận định cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì một niềm tin thận trọng vào triển vọng phát triển của quốc gia.
“Sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ nằm ở các chỉ số tăng trưởng, mà còn thể hiện qua khả năng thích ứng, cả trong cơ cấu nội tại lẫn chiến lược đối ngoại, giữa bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội”, Chủ tịch EuroCham nhận định.
Kỳ vọng vào chiến dịch tinh giản bộ máy, sáp nhập tỉnh thành
Chiến dịch tinh giản bộ máy hành chính của Việt Nam nhận được những phản hồi trung lập đến lạc quan dè chừng từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Dù đa số không kỳ vọng cải thiện ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp bày tỏ hy vọng về những bước tiến rõ rệt vào năm 2026.
Những cải thiện tích cực được mong đợi bao gồm chuyển đổi sang hệ thống nộp và phê duyệt hồ sơ điện tử (45%), đẩy nhanh thời gian xử lý thủ tục hành chính (26%) và trao quyền chủ động nhiều hơn cho chính quyền địa phương (25%).
Về đề xuất sáp nhập tỉnh, hơn 40% doanh nghiệp tin rằng những thay đổi này có thể giúp nâng cao hiệu quả hành chính và giảm bớt sự phức tạp trong quy định.
Tuy nhiên, 55–63% vẫn chưa chắc chắn về tác động của quá trình này đối với kế hoạch đầu tư, mở rộng thị trường và chiến lược nhân sự.
Đáng chú ý, 44% cho rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ hiệu quả hơn nếu Việt Nam giảm số lượng tỉnh xuống dưới 30, phản ánh mong muốn về một hệ thống quản trị tinh gọn hơn.
Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 sắp tới dự kiến cũng sẽ đưa ra những điều chỉnh đối với các luật như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quảng cáo, khiến nhiều doanh nghiệp giữ tâm thế theo dõi sát sao. Phần lớn doanh nghiệp cho biết họ sẽ duy trì chiến lược “chờ và quan sát” trước những thay đổi này.
Diệu Trang