Tuy nhiên ở một số cơ quan, đơn vị, có tình trạng cán bộ, đảng viên tự ý xin nghỉ việc, mặc dù không thuộc diện tinh gọn. Có những cán bộ, đảng viên thay vì tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tập trung cho công việc phục vụ Nhân dân thì lại dành nhiều thời gian ở cơ quan nghe ngóng, bàn tán việc tinh gọn, sáp nhập để xem sắp tới mình đi đâu, về đâu, các chế độ, chính sách tinh gọn như thế nào. Trước thực tế đó, đã có những địa phương phải ra công văn chấn chỉnh thái độ làm việc này.
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 khóa XII của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản và nhiều hướng dẫn thực hiện công tác này nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt".
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, chắc chắn sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không giữ được chức vụ, không còn việc làm, ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương giải quyết hài hòa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn tâm lý xã hội và cuộc sống của gia đình cán bộ. Chính sách tinh giản biên chế sẽ thực hiện có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hỗ trợ đào tạo lại và sắp xếp công việc phù hợp; chỉ cắt giảm các vị trí dư thừa, kém hiệu quả.
Bên cạnh trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu đi đầu, chớ vội so bì thiệt hơn, thậm chí khi cần có thể hi sinh một phần lợi ích cá nhân vì sự phát triển của đất nước, Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vấn đề này, phải giữ thái độ tích cực, trước hết cần phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.