Với phương châm: “Phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất, hết lòng vì người bệnh”, Ban Giám đốc bệnh viện đã không ngừng đổi mới, đầu tư toàn diện về mọi mặt, trong đó, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, lấy chất lượng làm trọng tâm để tập thể cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
5 năm qua (2014-2019), đã có hàng chục sáng kiến được công nhận và ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý, khám chữa bệnh như: Dụng cụ rửa tay phòng phẫu thuật; thẻ “chip” khám bệnh (thay cho sổ khám bệnh); Ki-ốt đăng ký khám bệnh thông minh; Phần mềm khám sức khỏe quân nhân; 10 sản phẩm phục vụ Đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản,...Trong đó, có 2 sáng kiến tiêu biểu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh và nhân viên y tế. Cụ thể:
Một là: “Hệ thống Ki-ốt đăng ký khám bệnh thông minh”. Đây là hệ thống giúp bệnh viện giảm thiểu tối đa nhân lực, sử dụng máy thay người. Trước đó, phải cần đến 3 nhân viên, một điều phối, một bảo vệ nhưng một phút chỉ đăng ký được 6 người bệnh nhưng khi thay bằng Ki-ốt thông minh thì chỉ cần 1 nhân viên hỗ trợ, một trạm đã đăng ký được 6 bệnh nhân/phút, tương đương 3 trạm sẽ giải quyết được 18 bệnh nhân/phút và người bệnh chỉ mất 10 giây với 4 thao tác đơn giản để hoàn tất phần đăng ký khám bệnh của mình, qua đó rút ngắn được thời gian chờ đợi và không gây ùn tắc trong đăng ký khám, chữa bệnh.
Sáng kiến thứ 2 là “Phần mềm quản lý khám sức khoẻ định kỳ quân nhân”. Theo cách làm truyền thống trước đây, toàn bộ hồ sơ được viết tay rồi nhập lại thông tin vào máy tính, chép lại kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng và kết luận vào bảng excel, quá trình này mất rất nhiều thời gian, nhân lực mà độ chính xác lại không cao. Trong khi đó, ở phần mềm khám sức khỏe có khả năng cơ động và tiện ích cao, linh hoạt cài đặt trên máy tính xách tay phục vụ tốt cho việc khám sức khỏe ngoại viện. Có thể đồng bộ dữ liệu về hệ thống máy chủ trung tâm của bệnh viện nhằm quản lý hồ sơ tập trung, kết nối trực tiếp đến các máy xét nghiệm cơ động, các máy siêu âm di động để đọc kết quả X-quang, kết quả điện tim,…Qua đó, khắc phục được những hạn chế trong quản lý, thống kê, tổng hợp và tìm kiếm dữ liệu.
Mới đây, bệnh viện đã giới thiệu 16 sản phẩm tự nghiên cứu để phục vụ người bệnh. Điển hình như “Robot Tấm thông minh” có hình dạng như một y tá với các khả năng di chuyển, tiếp đón, hỏi đáp một số thông tin với bệnh nhân và bác sĩ. Cánh tay Robot có khả năng chuyển động phức hợp từ các khớp, gân, ngón tay để giúp người khuyết tật có thể cầm nắm các vật thông thường và các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt. Với chi phí khoảng 60 triệu đồng, cánh tay Robot được đánh giá là "cơ hội hồi sinh" cho những người khuyết tật, thương, bệnh binh.
Với chủ trương lãnh đạo đúng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực phấn đấu không ngừng, Đảng ủy-Ban Giám đốc cùng với tập thể cán bộ, công nhân viên đã đồng tâm xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, dịch vụ. Hàng năm có trên 300 nghìn lượt khám; thu dung điều trị hơn 13 nghìn người bệnh; cấp cứu trên 15 nghìn ca; có những hạng mục tăng gấp 3-4 lần so với những năm trước. Những con số đó là minh chứng cụ thể việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin của bệnh viện trong thời gian qua, góp phần giúp Bệnh viện Quân dân y miền Đông nâng cao khả năng phục vụ bệnh nhân, tiết kiệm thời gian và nhân lực, tạo thuận lợi cho y bác sĩ, bảo đảm chăm sóc cho nhân dân và người bệnh trong khu vực.