Hình minh họa
TP.HCM chi hàng chục nghìn tỷ đồng nâng cấp, mở rộng loạt cửa ngõ thành phố
Trong nỗ lực nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, UBND TP.HCM vừa giao các sở, ngành liên quan chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Các dự án chủ yếu tập trung tại ba tuyến quốc lộ quan trọng: Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22 – các trục cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.
Tuyến Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương dài gần 6 km sẽ được mở rộng lên 10 làn xe, mặt cắt ngang rộng 60 m. Tốc độ thiết kế đạt 80 km/h trên tuyến chính và 60 km/h cho các đường song hành.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 20.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố dự kiến bố trí khoảng 14.619 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án chia thành hai phần: phần giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Đức do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức thực hiện, và phần xây lắp do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phụ trách triển khai.
Tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An cũng được đưa vào kế hoạch nâng cấp mở rộng. Chiều dài tuyến khoảng 10 km, quy mô mở rộng lên 10–12 làn xe, với mặt cắt ngang 60 m. Vận tốc thiết kế trên tuyến chính đạt 80 km/h.
Tập đoàn Nhật Bản đề xuất đầu tư đường sắt nhẹ 5.200 tỷ đồng tại Bình Dương
Mới đây, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã đề xuất với tỉnh Bình Dương dự án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) tại trung tâm TP Thủ Dầu Một, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng. Tuyến LRT này dài khoảng 13 km, bắt đầu từ Tòa nhà Becamex trên đại lộ Bình Dương và kết thúc tại Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương, bao gồm 10 nhà ga, đi qua nhiều khu vực hành chính – thương mại – dân cư trọng điểm.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đây sẽ là tuyến giao thông công cộng hiện đại đầu tiên trong nội đô, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải công cộng khối lượng lớn, kết nối các khu chức năng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy đô thị hóa theo hướng xanh, thông minh. Tuyến LRT cũng được định hướng tích hợp với các tuyến metro số 1 và số 2 của tỉnh trong tương lai, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ.
Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với phía Tokyu để hoàn thiện báo cáo khả thi, trình UBND tỉnh xem xét phương án đầu tư phù hợp. Ngoài ra, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng tài trợ 100 triệu yên để thực hiện dự án quy hoạch tổng thể vùng tăng trưởng xanh cho tỉnh Bình Dương – trong đó có nghiên cứu chi tiết hệ thống LRT, phát triển năng lượng tái tạo và đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development).
Ngày 1/5 tới: 63 tỉnh, thành phải gửi đề án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ
Chiều 1/4, Bộ Nội vụ họp giao ban công tác tháng 3/2025, triển khai nhiệm vụ công tác quý II và tháng 4/2025. Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân cho biết, trong tháng 3, khối lượng công việc của bộ rất lớn, đặc biệt có nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng
Liên quan đến nội dung sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, ban hành quy chế hoạt động và kế hoạch triển khai thực hiện…
Thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đơn vị cần tập trung cao độ trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước 30/6, để chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 01/7, cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.
Bộ trưởng lưu ý, kể từ ngày 01/5, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, thành phố gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm.
Đồng Nai mời gọi đầu tư hai dự án nhà ở xã hội hơn 2.200 tỷ đồng tại Nhơn Trạch
Theo thông báo từ UBND tỉnh Đồng Nai, cả hai dự án đều có quy mô lớn, được quy hoạch tại khu vực phát triển công nghiệp – đô thị năng động của huyện Nhơn Trạch. Đây là địa phương đang thu hút đông đảo lực lượng lao động nhập cư nhờ vào hệ thống khu công nghiệp quy mô lớn và vị trí chiến lược gần TP.HCM.
Theo thông báo từ UBND tỉnh Đồng Nai, cả hai dự án đều có quy mô lớn, được quy hoạch tại khu vực phát triển công nghiệp – đô thị năng động của huyện Nhơn Trạch. Đây là địa phương đang thu hút đông đảo lực lượng lao động nhập cư nhờ vào hệ thống khu công nghiệp quy mô lớn và vị trí chiến lược gần TP.HCM.
Cả hai dự án đều có thời hạn hoạt động 50 năm, với tiến độ thực hiện không quá 30 tháng kể từ ngày lựa chọn được nhà đầu tư. UBND tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực tham gia đăng ký thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Việc triển khai hai dự án nhà ở xã hội tại Phước An không chỉ góp phần giảm áp lực về chỗ ở cho người lao động trong khu vực, mà còn phù hợp với định hướng phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống tại các đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Hoàng An