Hình minh họa
Tăng phí dịch vụ sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xây dựng Kế hoạch điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, đơn giá dịch vụ sử dụng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được điều chỉnh từ 2.100 đồng/PCU/km lên 2.240 đồng/PCU/km, tương ứng với mức tăng 7%. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định hiện hành.
Các phương tiện chịu phí được phân loại theo quy định tại Nghị định 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
VEC cho biết sẽ thông báo công khai về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ trước khi áp dụng mức giá mới.
TIN VUI cho người lao động thu nhập thấp tại Hà Nội, sắp có 2 dự án nhà ở xã hội “khủng” trị giá hơn 16.000 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt hồ sơ mời đầu tư cho hai dự án này. Trong đó, Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 có vốn đầu tư hơn 9.307 tỷ đồng, diện tích 44,6 ha.
Dự án dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 12.465 người với quy mô 3.530 căn hộ, bao gồm 3.103 căn nhà ở xã hội, 427 căn chung cư thương mại và 99 căn nhà thấp tầng liền kề. Ngoài ra, dự án còn có các công trình giáo dục như trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cùng với khu thương mại, dịch vụ và hai bãi đỗ xe tập trung. Thành phố yêu cầu nhà đầu tư phải có tối thiểu 1.396 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để triển khai dự án.
Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2 có vốn đầu tư gần 6.842 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện gần 6.368 tỷ đồng, phần còn lại dành cho giải phóng mặt bằng. Dự án có diện tích 39,5 ha, quy mô dân số khoảng 10.544 người với 3.344 căn hộ chung cư xã hội, bao gồm 669 căn cho thuê, 334 căn cho thuê mua, 2.341 căn để bán và 114 căn nhà ở thương mại thấp tầng.
Lâm Đồng sắp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì?
Tỉnh Lâm Đồng đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NOXH), dự kiến diễn ra trong tháng 4/2025. Đây là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại Lâm Đồng đang tăng cao nhưng nguồn cung còn rất hạn chế.
Lâm Đồng là địa phương có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn như Đà Lạt, Bảo Lộc đang đối mặt với áp lực gia tăng nhu cầu nhà ở cho người dân. Đáng chú ý, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) tại tỉnh đang ở mức cao nhưng nguồn cung lại rất khiêm tốn. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.500 căn NOXH hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ yếu tập trung ở một vài dự án tại TP. Đà Lạt và huyện Đức Trọng.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ít nhất 4.000 căn NOXH, song đến nay, kế hoạch mới chỉ đạt khoảng 30%. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu quỹ đất sạch, chồng chéo trong thủ tục đầu tư, chưa có nhiều nhà đầu tư mặn mà vì lợi nhuận thấp, trong khi kỳ vọng về chất lượng dự án từ phía người dân lại ngày càng cao.
Họp bàn ứng phó việc Mỹ áp thuế 46%, Thủ tướng yêu cầu lập ngay tổ phản ứng nhanh
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.
Theo Thủ tướng, việc Hoa Kỳ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Hoàng An