(QK7 Online) - Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, Quân ủy miền Nam đã quyết định xuất bản Báo Quân Giải phóng - tiền thân của Báo Quân khu 7 ngày nay. Ngày 1/11/1963, Báo Quân giải phóng ra số đầu tiên thể hiện rõ tính chiến đấu, tiếng nói của các LLVT và nhân dân miền Nam.
Thực hiện sứ mệnh từ tổ A14 “ngoại đạo”
Nhóm phóng viên đầu tiên của Báo Quân giải phóng, được biết với cái tên khác là tổ A14 do ban đầu có 14 đồng chí, đa số là những giáo viên được điều đi B công tác. Tuy trái ngành, trái nghề, chưa có kinh nghiệm về nghề báo nhưng đó là lớp phóng viên xông xáo, được phân công đi đâu là đi đó, chiến dịch nào cũng tham gia; chém vè, lội bưng, vượt cánh đồng “chó ngáp”, chịu trận B-52 khắp chiến trường Đông Nam bộ đến nội đô Sài Gòn… Từ đó trở đi, những chiến sĩ - nhà báo Quân Giải phóng đã hòa mình vào cuộc trường chinh của dân tộc với vũ khí là cây súng và ngòi bút; chiến đấu gìn giữ non sông gấm vóc Việt Nam. Và bao lần hầm sập, bị thương máu nhuộm loang cả trang viết. Có đồng chí đã bị bom vùi sâu dưới mấy tầng đất đá. Máu các phóng viên đã đổ trên các chiến hào. Nhiều đồng chí bị thương như Phú Bằng, Đặng Văn Nhưng, Trần Phấn Chấn…; nhiều nhà báo mãi mãi không trở về: Thân Trọng Hân, Ngọc Châu, Nguyễn Thi… Máu đào của họ đã khắc họa rõ nét hình ảnh kiên trung, bất khuất của quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ và đó cũng là phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ làm Báo Quân giải phóng.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam chụp ảnh với phóng viên Báo quân giải phóng
Trong suốt hơn 12 năm hoạt động (1963-1975) tại chiến trường miền Nam ác liệt gian khổ, Báo Quân Giải phóng đã xuất bản được 318 số. Tất cả những bài viết trên có tác dụng định hướng tư tưởng giáo dục trong bộ đội, nhân dân; kịp thời truyền bá tư tưởng chiến lược và những ý kiến chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền theo từng diễn biến ngày càng ác liệt và phức tạp của cuộc kháng chiến. Qua đó, góp phần to lớn xây dựng cho cán bộ và chiến sĩ LLVT quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ mạnh mẽ, vững chắc và bền bỉ vượt lên trên mọi thử thách, hy sinh vì độc lập và thống nhất đất nước.
Phóng viên Báo Quân giải phóng và các phóng viên quốc tế
Những bài báo như “Ba Gia gọi Đồng Xoài”, “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1966-1967”… của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phân tích một cách sâu sắc kinh nghiệm chiến đấu, chỉ rõ những điểm mạnh - yếu của Mỹ - ngụy, qua đó tìm ra phương pháp đánh Mỹ hiệu quả, cổ vũ, động viên nêu cao ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ xâm lược. Chính xuất phát từ thực tế trên đã làm dấy lên phong trào thi đua của toàn Miền “Tìm Mỹ mà đánh”, “Thấy ngụy là diệt”, “Oán nặng, thù sâu thấy Mỹ đâu diệt sạch” và câu nói “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trở thành khẩu hiệu hành động rất phổ biến trong phong trào thi đua của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Hàng trăm bài báo của phóng viên, lãnh đạo đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần mạnh mẽ cho quân dân miền Nam “Quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, giành thắng lợi từng bước, từng giai đoạn, từng thời kỳ và tiến lên toàn thắng, giải phóng miền Nam.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Báo Quân Giải phóng cùng với Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng và các cơ quan truyền thông quốc gia, tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ đến với đồng bào vùng mới giải phóng. Mùa xuân năm Bính Thìn 1976, Báo Quân Giải phóng ra số báo Xuân Bính Thìn - số báo Xuân đầu tiên chào đón mùa xuân của hòa bình, tự do và độc lập. Đây cũng là số báo cuối cùng trong hành trình Quân Giải phóng thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Những phóng viên Báo Quân Giải phóng miền Nam chuyển về Quân khu 7 để chuẩn bị ra số báo đầu tiên của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, chào mừng tròn 1 năm kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/1976.
Lính miền Đông làm báo hôm nay
Phát huy, kế thừa truyền thống lớp đàn anh, sau ngày giải phóng, các phóng viên Báo Quân khu 7 tiếp tục có hơn 10 năm sát cánh với bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế tại đất bạn Campuchia, có mặt từ mặt trận 479 đến mặt trận 779; kịp thời phản ánh cuộc sống, chiến đấu, học tập và công tác của các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam, góp phần cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng LLVT Quân khu 7 trong tình hình mới, ngày 5/1/2006, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) ký giấy phép hoạt động báo chí về việc nâng cấp tờ Tin Quân khu 7 thành Báo Quân khu 7. Đây là cột mốc đánh dấu Báo Quân khu 7 bước vào thời kỳ làm báo chuyên nghiệp.
Báo Quân khu 7 (thứ 4 từ trái sang) với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc - đạt thành tích tốt nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quân năm 2016
Là tòa soạn thực hiện cả 4 loại hình báo chí: Báo in, Truyền hình, Phát thanh, Báo điện tử - trong “kỷ nguyên” của truyền thông, Báo Quân khu 7 đã từng bước nâng cao chất lượng, giữ vững tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị và làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, vừa là diễn đàn của nhân dân và LLVT Quân khu, góp phần vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn trọng điểm phía Nam. Những người lính cầm bút của Báo Quân khu 7 ngày nay với phẩm chất người lính Cụ Hồ, chú trọng công tác truyền thông trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, hầu hết được đào tạo bài bản, có trình độ, trách nhiệm, say nghề, sáng tạo. Nhiều tác phẩm báo chí, truyền hình được vinh danh tại những giải thưởng có uy tín trong toàn quân… Công tác quản lý, tư duy làm báo được đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, hướng tới mục đích để Báo Quân khu 7 luôn luôn thực sự là “Tiếng nói của LLVT và Nhân dân trên địa bàn Quân khu 7”.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chúc mừng tập thể Báo Quân khu nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, với nhiệm vụ và những tên gọi khác nhau như báo Quân Giải phóng, Tin Mặt trận, Tin Tiền phương, Tin Quân khu 7…, Báo Quân khu 7 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu giao, ngày càng để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Hoạt động báo chí đã góp phần xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh, hoàn thành tốt mọi trọng trách được giao phó, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Báo Quân khu 7 đạt Giải Nhất tại Liên hoan tiếng hát Người làm báo TP.HCM mở rộng năm 2017
Với công lao, sự hy sinh to lớn và thành tích đạt được, Báo Quân giải phóng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Và mới đây, trong không khí của kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, niềm vinh dự, tự hào lại được nhân lên đối với các thế hệ người lính làm báo miền Đông khi tin vui Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Báo Quân Giải phóng Miền (B2), nay là Báo Quân khu 7.
Nguyễn Bắc - Hải Yến