
Bộ đội Trung đoàn 271, Sư đoàn 5 giúp dân thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương thu hoạch lúa. Ảnh: Bùi Trụ
Công tác hậu cần đáp ứng yêu cầu các cấp độ dịch
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, công tác hậu cần phải đáp ứng tất cả các mặt, các yêu cầu nhiệm vụ, như: Quân nhu, quân y, vận tải, doanh trại... Trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện cách ly xã hội dài ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc khai thác, tạo nguồn cơ sở vật chất, trang bị hậu cần gặp không ít khó khăn, nhất là ở các đơn vị điều kiện tăng gia sản xuất bị thu hẹp. Công tác hậu cần phải bảo đảm cho nhiều đối tượng, như lực lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng tăng cường, giúp dân, các bệnh viện dã chiến, lực lượng vận tải... phân tán trên địa bàn rộng.
Các lực lượng bảo đảm hậu cần phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, duy trì công tác bảo đảm lâu dài gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với lực lượng quân nhu, quân y, vận tải... thực hiện nhiệm vụ trong vùng dịch, tại các bệnh viện dã chiến... Đó là những thách thức lớn. Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là Ban chỉ đạo, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng ta chủ động các phương án bảo đảm theo kế hoạch điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu từng cấp độ dịch diễn biến trên các địa bàn...
Bảo đảm hậu cần trong phòng, chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, TCHC chủ động các phương án, kế hoạch, tham mưu cho Ban chỉ đạo, chỉ đạo các Quân khu: 5,7,9 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch và tham gia giúp dân thu hoạch, vận chuyển, góp phần duy trì chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng nông sản... hỗ trợ các lực lượng và Nhân dân trong vùng dịch tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. TCHC chỉ đạo các chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi, tham mưu, tổ chức bảo đảm hậu cần cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đặc biệt, TCHC chủ động chỉ đạo, phối hợp tổ chức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các đơn vị...
Bảo đảm tốt ăn, ở, sinh hoạt, sức khỏe bộ đội trong tâm dịch
Phục vụ dân là bổn phận của bộ đội. Được Nhân dân tin tưởng, gửi gắm, bày tỏ tình cảm trân quý như vậy là hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Đó là kết quả tổng hợp của rất nhiều khâu, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị. Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị phối hợp triển khai 8 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng Bệnh viện Quân dân y miền Đông thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175.
Các đơn vị huy động vật chất doanh trại trị giá 48 tỷ đồng xây dựng các bệnh viện dã chiến; sử dụng hơn 500 chuyến xe, vận chuyển hơn 1.150 tấn hàng hóa phục vụ chống dịch, đặc biệt là vận chuyển an toàn hơn 5,8 triệu liều vaccine, 178 tấn vật tư, trang bị y tế. Các đơn vị quân y đã huy động gần 3.400 lượt cán bộ, nhân viên quân y và hệ thống phương tiện y tế tham gia xét nghiệm với công suất khoảng 5.500 mẫu/ngày. Đến nay, các đơn vị xét nghiệm được trên 102.000 mẫu, với khoảng 807.000 lượt người, phát hiện hơn 19.700 trường hợp dương tính, thu dung, điều trị gần 7.000 bệnh nhân, trong đó gần 3.300 bệnh nhân khỏi bệnh.
Việc tổ chức phục vụ, bảo đảm hậu cần trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến được chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất. Về công tác quân nhu, trong mọi tình huống, cấp độ dịch, đều phải có kế hoạch, phương án chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Việc tạo nguồn lương thực, thực phẩm được bảo đảm từ hai nguồn, do các đơn vị cung ứng từ tăng gia sản xuất và hợp đồng với nhà cung cấp có đủ điều kiện, tổ chức giao, nhận an toàn, chất lượng. Việc bảo đảm trang bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn, nhà bếp, công tác bảo đảm quân, tư trang cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch được thực hiện kịp thời, chủ động, giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”.
Chính môi trường làm việc thống nhất, chính quy, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phối hợp nhịp nhàng, thông suốt nên công tác hậu cần góp phần quan trọng giúp các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, để lại những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong lòng dân. Nhờ đó, chúng ta có được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ nhiệm vụ chống dịch. Tính đến nay, số tiền ủng hộ ngành hậu cần phục vụ nhiệm vụ chống dịch hơn 400 tỷ đồng, trong đó, các nguồn lực ủng hộ thông qua Ban chỉ đạo là 65 tỷ đồng, còn lại là từ kết quả vận động của các đơn vị, tổ chức, cá nhân...
Bảo đảm hậu cần cho lực lượng trên tuyến đầu
Ngành Hậu cần luôn chủ động các phương án, kế hoạch đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ. Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và các nguồn lực trong và ngoài Quân đội để bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đối với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ trong tâm dịch, phải bảo đảm tốt ăn, ở, sinh hoạt, coi trọng chăm sóc sức khỏe bộ đội, giữ vững quân số khỏe để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.