Theo đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai, gia hạn sử dụng đất, Sở nhận thấy có nhiều trường hợp người sử dụng đất để đất trống, bỏ đất hoang không sử dụng. Dù những trường hợp này vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng không thực hiện đúng theo mục đích được giao đất, thuê đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
TP.HCM kiến nghị thu hồi đất nhà nước giao, cho thuê nhưng bỏ trống.
Trên thực tế áp dụng pháp luật, Sở Tài Nguyên và Môi trường không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 123 quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, do đó không có cơ sở thu hồi đất theo khoản 1 Điều 81 và khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024.
Các trường hợp này đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn sử dụng đất do hết thời hạn sử dụng đất mà không phải để thực hiện dự án đầu tư nên không thuộc trường hợp áp dụng theo khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024.
Để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải quyết hồ sơ đất đai, Sở kiến nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn làm rõ hành vi “để đất trống, không sử dụng; bỏ đất hoang, không khai thác hết diện tích được giao” có được coi là vi phạm pháp luật về đất đai hay không? Nếu được coi là vi phạm, thì căn cứ pháp lý xử lý hành vi đó là gì và có đủ điều kiện để thu hồi đất không?
Trường hợp không áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành, để thực hiện đúng quy định pháp luật và Nghị quyết số 98 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần bổ sung quy định "hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất như để đất trống, không sử dụng, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao..." vào nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đồng thời, bổ sung thêm trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, áp dụng với đất được Nhà nước giao quản lý mà để trống, không sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm.
Phương Vy