(QK7 Online) - Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, nơi đang lưu giữ và trưng bày hơn mười nghìn hiện vật có giá trị lịch sử. Trong số đó, có một kỷ vật thiêng liêng gây ấn tượng cho người xem với biết bao niềm xúc động, đó là chiếc áo quân phục của liệt sĩ Trần Tử Kiện (tên thường gọi là Út Khang).
Chiếc áo quân phục của liệt sĩ Trần Tử Kiện giống như hàng ngàn chiếc áo quân phục khác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Áo được may bằng vải bông màu xanh, là kiểu áo dạng ngắn tay và có một túi trước ngực trái. Giờ đây, chiếc áo đã bạc màu, sờn rách, đôi chỗ vẫn còn loang lổ vết máu qua thời gian đã xỉn lại thành màu nâu sẫm. Chiếc áo quân phục là kỷ vật cuối cùng gắn với sự hy sinh trung kiên, bất khuất của liệt sĩ Út Khang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiếc áo, kỷ vật kháng chiến của liệt sĩ Trần Tử Kiện
Vào những năm 1966, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” ở miền Nam Việt Nam cùng với việc tăng nhanh số lượng quân viễn chinh và quân đồng minh. Trong khoảng thời gian này, Út Khang là người gốc Hoa, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng Đội biệt động Q804/T4 - Đội vũ trang công tác đặc biệt thuộc Ban Hoa vận T4 (nay là Ban Công tác người Hoa thành phố Hồ Chí Minh), có nhiệm vụ hoạt động bí mật ở vùng đất Củ Chi. Trong một trận đánh chống lại đợt càn mệnh danh “Cuộc hành quân Grimp” của địch, đơn vị của anh kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nhiều đồng đội đã hy sinh, riêng Út Khang bị một viên đạn bắn trúng làm gãy chân nên không thể đi tiếp và bị giặc bắt. Biết anh là chiến sĩ hoạt động bí mật, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man hòng khai thác thông tin. Nhưng dù bất kỳ hình thức tra tấn hay thủ đoạn mua chuộc nào, Mỹ - ngụy cũng không thể có một chút thông tin nào từ anh.
Nhằm làm giảm tinh thần của những người chiến sĩ cách mạng khác, Mỹ lấy dây xích cột vào đôi chân đang rỉ máu của anh, mắc vào sau một chiếc xe tăng, rồi cho xe lôi anh từ ấp Bầu Trang Đình, đến xóm An Nhơn, huyện Củ Chi để răn đe. Bất chấp sự dã man, tàn ác của kẻ thù, các đồng đội và nhân dân vùng đất Củ Chi, vùng đất thép thành đồng vẫn vùng lên đấu tranh và đưa được thi thể của anh về an táng.
Các thế hệ tìm hiểu về truyền thống lịch sử tại Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ
Chiếc áo quân phục của Út Khang là kỷ vật thiêng liêng được đồng chí Từ Tài Thành, đồng đội của anh lưu giữ và trao lại cho đồng chí Ngô Diệm Khôn ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 4/4/2007, đồng chí Khôn đã trao tặng kỷ vật thiêng liêng ấy cho Bảo tàng Quân khu 7 lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị lịch sử.
Nghĩ về những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã hăng hái ra chiến trường với tình yêu Tổ quốc phơi phới như chính tuổi thanh xuân của họ. Sự hy sinh trong cuộc chiến đấu gian khổ ấy có những người tuổi còn chưa tròn đôi mươi, có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ. Sự hy sinh ấy được đất nước nghiêng mình. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là một câu tục ngữ đã được đúc rút hàng nghìn đời nay và cho tới bây giờ nó vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa mang tính giáo dục sâu sắc cho các thế hệ.
Nói về chiếc áo của liệt sĩ Út Khang và hàng ngàn hiện vật khác đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 7 như là những thước phim nhắc nhở chúng ta về một quá khứ truyền thống, là minh chứng về tinh thần yêu nước cao cả, sự hy sinh quả cảm với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân miền Đông Nam Bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Những truyền thống ấy chính là động lực để chúng ta càng phải cố gắng học tập, đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.
Lê Hoan
(Bài viết có sử dụng tư liệu Kỷ yếu “25 năm xây dựng và phát triển Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ”)