Trung đoàn 10 hai lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Mười cán bộ, chiến sĩ vinh dự được nhận danh hiệu cao quý ấy. Riêng Đại đội 5 do Đinh Hữu Loan chỉ huy đã xuất hiện 7 anh hùng, đó là: Trịnh Xuân Bảng, Nguyễn Chất Xê, Lương Văn Mướt, Lê Văn Nghĩa, Hà Văn Vóc, Nguyễn Văn Thế và Nguyễn Văn Chân.
Vào một ngày tháng 10 năm 2017, tôi tìm tới ngôi nhà cấp 4 tọa lạc ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai gần nhà máy thủy điện Trị An, mát rượi. Sau đôi lời trao đổi, ông vui vẻ nhận lời và kể lại trận đánh huyền thoại của 50 năm về trước, mà mình là đồng tác giả.
Cựu chiến binh Đinh Hữu Loan
- Tấm bản đồ tác chiến ta thu được của Mỹ, trải rộng trên mặt đất. Tôi chăm chú theo dõi không bỏ một chi tiết khi đồng chí Tám Sơn đoàn trưởng giao nhiệm vụ: “Căn cứ vào yêu cầu của Bộ Chỉ huy Miền là phải “lấp” sông Lòng Tàu để chặn hướng tiếp tế bằng đường thủy huyết mạch của Mỹ cho quân ngụy Sài Gòn. Cụ thể là phải tạo một khối thuốc đủ sức công phá những con tàu có tải trọng trên mười nghìn tấn. Khi nó bị chìm, ta tìm cách khống chế sông Lòng Tàu ít nhất là 5 ngày trở lên, để tạo thuận lợi cho các hướng. Nhiệm vụ này đặc biệt khó khăn, nhưng Đảng ủy - Ban chỉ huy Đoàn rất tin tưởng giao cho đồng chí Đinh Hữu Loan nghiên cứu, lên phương án và trực tiếp chỉ huy thực hiện”.
Một khối thuốc nổ hợp chất C4-1.500kg (sức công phá mạnh tương đương 3.000kg loại thuốc TNT). Bên trong được cài hàng trăm kíp số 10 để phát huy hết hiệu quả. Mặt ngoài khối thuốc được gắn những thỏi nam châm để tạo lực hút từ trường, khi mục tiêu đi qua. Nhiệm vụ này, chỉ huy đoàn giao cho Tư Tiên, trợ lý quân giới đoàn phối hợp nghiên cứu, chế tạo, có sự giúp sức của chuyên môn cấp trên. Để thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng tham gia có 7 người đều thuộc Đại đội 5, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, do Đinh Hữu Loan chỉ huy.
Trong không khí trang nghiêm, cảm động bên căn hầm nửa chìm, nửa nổi dưới rừng đước bị bom đạn chém gẫy gục chỉ trơ lại những gốc cây cổ thụ, gân guốc cùng với những người lính đặc công kiên gan bám trụ, chiến đấu. Bức ảnh Bác Hồ treo ngay ngắn trên lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Đôi mắt vị Cha già dân tộc như âu yếm khích lệ những đứa con chuẩn bị bước vào trận đánh sinh tử với quân thù với niềm kiêu hãnh sẽ chiến thắng trở về để dâng lên Người như món quà chúc thọ Bác. Trước giờ xuất kích, lễ tuyên thệ được tổ chức, có sự chứng kiến của thủ trưởng Đoàn. Ông Tám Sơn cùng với Chính ủy Lê Bá Ước có mặt. Bảy cánh tay rắn chắc nắm chặt, giơ cao, lời hô tuy nhỏ nhưng đủ để mọi người tới dự đều nghe, xin thề: Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược! Và sau lời thề rất đỗi thiêng liêng, cảm động ấy vừa dứt thì cả khối thuốc hình chữ nhật được từ từ hạ thủy, nhờ lực đỡ của những chiếc phao.
Xuất quân từ Rạch Lá vùng lòng chảo Nhơn Trạch, ra sông ông Kèo, tới ngã ba sông Đồng Tranh. Đêm tối như bưng, dù đã được uống mỗi người ít ngụm nước mắm, nhưng vẫn không xua nổi cơn lạnh của nước thấm vào da thịt. Lúc này, cả bảy anh em như một cơ thể, nhịp nhàng, ăn ý tuyệt vời. Nhờ đó, khối thuốc đồ sộ cứ ngoan ngoãn theo sự điều khiển của chúng tôi.
Vượt qua bao dòng sông chảy xiết, vùng nước xoáy cuồn cuộn. Bảy cán bộ, chiến sĩ mình trần, chân đất, dao găm, súng đạn và các trang bị chiến đấu cần thiết khác, cẩn trọng đến từng động tác nhỏ. Vì rằng chỉ một sơ suất cá nhân là có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Ra đến ngã ba sông Đồng Tranh đã 23 giờ đêm, người và phương tiện an toàn, ai nấy đều rất phấn chấn, song qua mấy giờ ngâm mình trong nước vừa đói, rét lại thấm mệt, tôi hạ lệnh dạt vào một nơi, neo tạm khối thuốc để nghỉ ngơi, ăn gạo rang cho lại sức và uống thêm nước mắm nhằm chống lại cái lạnh đang xâm lấn cơ thể. Điều quan trọng hơn là tôi chỉ đường hướng tiếp cận ra giữa sông Lòng Tàu và điểm tọa độ dự kiến đặt khối thuốc nhằm phát huy hết tác dụng công phá khi gặp mục tiêu. Trong giờ giải lao chớp nhoáng này, một ai đó đã buột miệng: Giờ này ở quê nhà gia đình đang chuẩn bị đón Tết, hẳn vui lắm. Người khác thêm vào: Thông thường đêm giao thừa sau khi làm lễ gia tiên tại gia đình, tớ hay lẽo đẽo đi với bố tới nhà thờ tổ để thắp hương tưởng nhớ các vị tiền nhân… Là người chỉ huy trực tiếp, tôi hết sức thông cảm tâm trạng chân thành của những người lính thuộc quyền của mình là có thật. Nhưng cái quý là họ biết gác tình riêng để mưu sự nghiệp lớn, nên vẫn vui vẻ bước vào trận đánh thật thanh thản, chẳng khác là mấy bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng vậy.
Trước mặt chúng tôi là mênh mông sông nước, ghe cào cùng với tàu địch tuần tiễu liên tục. Quầng sáng đằng xa là đô thành Sài Gòn, nơi bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ - ngụy cùng lũ tướng tá đang phè phỡn, ăn chơi trác tráng. Một cảnh đối nghịch đến ghê tởm bởi những khu nhà ổ chuột bên dòng kênh, rạch nước đen ngòm mà người dân lao động nghèo, phải kiếm ăn từng bữa, ngột ngạt đến thương tâm… Nghĩ tới đấy, máu trong tim mỗi người như sôi lên, mong muốn góp phần quét sạch sự bất công. Phải quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược! Lời thề ấy càng nung nấu trong lòng nhắc nhở, thôi thúc. Đúng 0 giờ đêm mồng một Tết Nguyên đán năm Mậu Thân 1968, bảy cán bộ, chiến sĩ cảm tử đã điều khiển khối thuốc và đặt đúng điểm chọn giữa sông Lòng Tàu, rồi xì hơi các phao đỡ để nó chìm tận đáy sông. Qua sợi dây nhỏ được nối từ khối thuốc với người chỉ huy dù biết chắc chắn, nó đã đúng ý định phương án. Song bản thân tôi và Trịnh Xuân Bảng cùng lặn theo mối đầu dây để kiểm tra tư thế nằm của khối thuốc có đúng, mới thật yên lòng. Mặc dầu mực nước ở độ sâu trên 10m. Trước lúc rời vị trí, cả bảy người nắm chặt tay nhau mừng rỡ thắng lợi bước đầu để bơi vào bờ triển khai nhiệm vụ chiến đấu, chờ kết quả.
Vừng đông đã hửng mặt trời lên, bức tranh Rừng Sác dần sáng rõ: bom đạn làm cho xơ xác tan hoang, nhiều cây gẫy gục, cháy xém, môi trường sinh thái bị hủy diệt… mà lòng đau tê tái. Hãy quét sạch bọn xâm lược để giành lại màu xanh cuộc sống - một ai đó đã thốt lên như vậy. Lúc này, từ hướng Soài Rạp cửa sông Lòng Tàu giáp biển Đông, tàu chiến Mỹ nườm nượp vào ra cảng Sài Gòn, nhưng vẫn im lìm bởi chưa đủ lực tác động, lòng ai nấy như lửa đốt. Nhiều câu hỏi lóe lên trong đầu mà không thể nào giải đáp nổi. Ngày hôm ấy, chúng tôi chia làm hai tổ náu mình dưới những tầng rễ đước gân guốc xù xì để ém quân, chờ kết quả quên cả cái đói thắt ruột và cái rét, muỗi mòng vo ve đua nhau tấn công. Đặc biệt, cảnh giác cao độ với loài cá sấu đi săn mồi khi ngửi thấy hơi người tìm cách tấn công. Mặt trời đã ngả về chiều vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ruột gan ai nấy càng nóng bừng bừng.
Tâm trạng tôi như có ngàn mũi kim châm. Nhưng, vốn là người cán bộ chỉ huy từng trải, tôi tự động viên mình cần có đủ tỉnh táo nhận định tình hình và kiềm chế bản thân, không để có hành động khinh suất vào lúc này. Thế rồi, tới 9 giờ 15 phút sáng mồng hai Tết, một chiếc tàu khổng lồ lừng lững vào tọa độ chết. Bỗng tiếng nổ phát ra rung chuyển, một cột khói quyện với nước cao hàng trăm thước chọc thẳng lên trời. Con tàu dềnh lên, chòng chành rồi bốc cháy dữ dội và từ từ chìm đáy sông sâu. 12 ngàn tấn bom đạn bị nổ tung; trên 100 tên sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Mỹ cùng nhiều tàu hộ tống tan xác. Ngay sau đó và cả những ngày hôm sau, chúng tập trung máy bay, tàu chiến, pháo các cỡ để kiềm chế, giải tỏa sông Lòng Tàu, nhưng không có hiệu quả. Lúc ấy không thể tả hết niềm vui sướng, chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau, mừng đến rơi nước mắt - ông Loan nhớ lại.
Được sự hỗ trợ hỏa lực DKZ, 12,7mm của đoàn, chúng tôi khống chế sông Lòng Tàu đúng một tuần lễ trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử 1968 - vượt cả thời gian trên giao.
Trận đánh được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba cho tập thể; tôi và Trịnh Xuân Bảng được tặng Huân chương chiến công hạng Nhất; số còn lại Huân chương chiến công hạng Ba. Điều đặc biệt là cả bảy người trực tiếp tham gia trận đánh vào thời điểm cao trào của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam Việt Nam góp phần làm rung chuyển cả nước Mỹ ấy, vẫn tuyệt đối an toàn trở về để còn cơ hội lập những chiến công vang dội, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng.