Ông Nguyễn Văn Hăng, sinh năm 1952, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ ông đã sớm có ý thức về lòng yêu nước. Những năm còn học phổ thông ông đã làm quân báo cho xã đội Phước Chỉ. Lúc đó ông còn nhỏ, lại là học sinh nhanh nhẹn, vui tính nên kẻ thù không nghi ngờ, tạo điều kiện thuận lợi cho chàng học sinh, thâm nhập, tiếp xúc nắm thông tin, tình hình hoạt động và những đợt chuẩn bị hành quân bố ráp của địch để báo cho cơ sở. Năm 1972, ông tham gia cơ sở biệt động Gò Dầu, ban đêm đi rải truyền đơn, diệt ác ôn. Ông còn vận động được 9 học sinh trường Trung học Phổ thông Hưng Thịnh – Gò Dầu tham gia cách mạng về hoạt động trong cứ.Thời gian này bọn địch tăng cường các cuộc truy lung, bắt giết những chiến sĩ hoạt động bí mật của ta và tuyên truyền là: Trên đất Gò Dầu không còn bóng dáng Cộng sản.
Nhằm củng cố tinh thần cách mạng cho quần chúng nhân dân, nhận chỉ đạo của trên ông đã trực tiếp nắm thông tin, vẻ sơ đồ xây dựng kế hoạch, đánh vào Trung tâm thông tin Gò Dầu để gây tiếng vang. Chỉ trong mấy ngày nhận lệnh ông đã trực tiếp chế tạo mìn và chỉ huy tổ 3 người đột nhập đánh sập trung tâm thông tin và tiêu diệt 2 cảnh sát ngụy. Trận đánh nhỏ nhưng gây tiếng vang lớn, làm Mỹ ngụy ở Gò Dầu hoang mang.
Sau trận đánh này, do bọn chiêu hồi chỉ điểm, ngày 25/10/1972 ông bị bắt nhốt ở chi khu Gò Dầu, sau 3 đêm tra tấn, đánh đập không khai thác được gì chúng chuyển ông về Khám đường Tây Ninh. Suốt 3 tháng ở Khám đường Tây Ninh, chúng dùng nhiều nhục hình tra tấn đánh ông đến gãy tay buộc khai lãnh đạo là ai. Do bị chiêu hồi trực tiếp làm chứng chỉ mặt, ông đã thông minh khai lãnh đạo của mình là ông Bảy Thành, một chiến sĩ cách mạng ở Phước Chỉ vừa hy sinh trước đó hơn một tháng. Không khai thác thêm được gì chúng đưa ông ra Tòa án, ông đã chống án vì để hoạt động cách mạng trong giấy tờ ông lúc đó chỉ mới 15 tuổi.
Không xử ông được chúng đưa ông xuống khám Chí Hòa –Sài Gòn. Đầu năm 1973 chúng đưa ông ra tòa án quân sự Bạch Đằng, ông chống đối không ra tòa chúng vẫn kêu án vắng mặt 18 năm, đồng đội của ông là Võ Văn Bao ở Phước Lưu –Trảng Bàng cũng bị kêu án 18 năm. Tháng 5/1973, cả 2 ông và 748 chiến sĩ cách mạng khác bị đày ra Côn Đảo.
Những ngày tháng ở Côn Đảo ông cùng đồng đội đã đấu tranh kiên cường, giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng của người Công sản. Ngày 1/4/1974 được sự chỉ đạo của đồng chí Phan Thành Cang – Bí thư chi bộ Nhà tù Côn Đảo, tại chuồng cọp ông đã được đồng chí Lê Văn Bựu ở Long An, tuyên bố kết nạp ông vào Đảng cộng sản Viêt Nam, ông còn nhớ như in những lời tuyên thệ lúc đó.
Chiều 30/4/1975, ông cùng các bạn tù dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây đứng lên tự giải phóng. Ông cùng các đồng chí của ta đã xông lên chiếm kho lương thực và vũ khí và thành lập ngay một tiểu đoàn với trang bị sung, lựu đạn, dao, gậy mở hết các cửa tù, nhốt lính ngụy vào và đánh chiếm Côn Đảo. Chiều 2/5 bọn chúng đầu hàng. Các chiến sĩ trong tù của ta đã tự giải phóng Côn Đảo, đến ngày 4/5/1975 tàu chiến của ta ra tiếp ứng.
Trong câu chuyện kể chân chất mộc mạc nhưng đầy hào sảng của ông, chợt ông lặng đi, rồi 2 khóe mắt đỏ hoe. Tôi hiểu rằng ông đang nhớ về đồng đội của mình, những người nằm lại ở Côn Đảo không về nữa.
Cuối tháng 5.1975, ông trở về quê hương Tây Ninh tiếp tục công tác đến năm 1984, ông được phục viên.
Ông Hăng vui cùng vườn cây, ao cá.
Ông là người chủ trương và đi đầu vận động chính quyền, nhân dân làm bờ đê bao cho các cánh đồng. Làm cho mảnh đất bao đời nay mùa mưa ngập sâu trong nước, mùa khô thì hạn hán, quanh năm chỉ làm được 1 vụ lúa lúc được, lúc mất trở thành cánh đồng 2 vụ cho năng suất cao. Ông cũng là người gạt ra ngoài tai những lời dị nghị và bàn lui tính tới đứng ra cầm sổ đỏ của bà con đi vay tiền Ngân hàng cùng với sự hỗ trợ một phần vốn của huyện để kéo điện về cho ấp. Chính sự bản lĩnh, quyết đoán của ông “ Có điện là có tất cả” đã làm bừng lên ánh sáng ở một ấp nghèo; đó không chỉ là ánh sáng đèn điện trong sinh hoạt, mà còn là ánh sáng của tri thức của khoa học công nghệ trong sản xuất chăn nuôi, trong đời sống văn hóa tinh thần.
Năm 2008, ông Hăng xin thôi làm Bí thư Chi bộ ấp nhường lại cho lớp đảng viên trẻ. Lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã liên tục từ đó đến nay. Ông vừa thôi giữ chức chủ tịch CCB Xã nhưng vẫn còn đảm nhiệm chức trách ở Hội người tù kháng chiến 3 xã cánh tây Trảng Bàng.
Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ông luôn tâm niệm: Muốn vận động bà con, CCB thoát nghèo, làm giàu thì mình phải giàu, phải làm tấm gương cho họ. Ruộng đồng giờ ông giao lại cho con làm, hàng ngày ông chăm sóc cây trái trong vườn và ao cá. Bà con thôn xóm ai cậy nhờ mai mối cưới hỏi ở đâu ông cũng giúp. Ông còn là trung gian hòa giải các mâu thuẫn trong ấp làm cho tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt. Mọi người trong xã, trong ấp ai cũng yêu mến, kính trọng ông.
Tháng 7 vừa qua, ông là một trong những điển hình của Tây Ninh đượcc ra Hà Nội dự Hội nghị toàn quốc biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất giai đoạn 2012- 2017.
Tạm biệt ông với cái xiết tay thật chặt, ấm áp. Ra về, giữa cánh đồng mênh mông trắng nước, tôi vẫn như cảm thấy nụ cười sảng khoái của ông Hăng lẫn khuất với mùa Cà Na chín rộ bên sông.