“Bác Năm có nhà không ạ?”. “Bà nhanh ra mở cửa có người đến tìm kìa”, ông Năm giục vợ ra mở cửa đón người phụ nữ mà gia đình ông chưa hề quen biết.
Ông Năm Phúc nghiên cứu tài liệu một vụ khiếu kiện nhà đất mà người dân nhờ tư vấn
“Dạ cháu là Thắm, nhà bên xóm phường 14, có người giới thiệu gặp bác Năm hướng dẫn viết đơn thưa chính quyền giúp ạ! Có cái chuyện tranh chấp lối đi với bà Mười cạnh nhà, mấy lần lên phường mà không ai chịu giải quyết, cứ nói về tự hai hộ thỏa thuận với nhau”…
Đó là một trong rất nhiều trường hợp người dân có chuyện rắc rối về pháp lý là chạy đến tìm ông Năm - Huỳnh Thiên Phúc, Ủy viên Ủy ban MTTQ phường 13 (quận 3, TP.HCM), nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng. Vụ việc của bà Thắm kể ở trên được ông Năm giải thích cặn kẽ, việc gì thuộc cơ quan hành chính giải quyết, việc gì phải “gõ cửa” đến cơ quan tư pháp và việc gì hai bên ngồi lại với nhau, nhịn nhau mấy lời là xong, chứ đâu phải chuyện gì cũng đưa ra chính quyền giải quyết. Thấy lý lẽ của ông Năm rõ ràng, cách nói chuyện cũng gần gũi, cảm thông, bà Thắm dịu lại và hứa với ông Năm sẽ tự giải quyết với hàng xóm. Tiễn bà Thắm ra cửa, ông Năm không quên lấy số điện thoại, địa chỉ nhà và hứa sẽ qua nhà của cả 2 bên giải thích thêm. Một tuần sau, gặp lại chúng tôi, ông Năm cười: “Vụ bà Thắm hôm bữa coi như giải quyết êm, hai nhà vui vẻ bắt tay nhau rồi”.
Về hưu hơn 7 năm với hàm chuyên viên cao cấp, nhiều nơi mời đi giảng bài, nói chuyện thời sự, có nơi còn ký hợp đồng tư vấn pháp luật với mức thù lao cả chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng ông Năm đều từ chối và chọn công việc tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân tại địa bàn dân cư, vì như ông nói: “Có gần dân, sát dân mình mới thấu hiểu được tâm tư, bức xúc và nhũng vướng mắc của dân để tìm cách giúp họ. Cái nào thuộc thẩm quyền UBND phường, quận, mình đưa ra họp bàn giải quyết; cái nào thuộc về tư pháp thì hướng dẫn, giải thích cho họ rõ để rồi tự giải quyết ổn thỏa với nhau, tránh kiện tụng, mất lòng chòm xóm láng giềng”.
Là cán bộ nhiều năm giữ các công việc, trọng trách của Đảng tại quận 3 và TP, nên khi nghỉ hưu, ông Năm mong muốn được đóng góp việc gì đó thiết thực nhất để xây dựng chính quyền ở cơ sở, để tạo thêm niềm tin của dân với Đảng. Chính vì vậy, trong bản đăng ký thực hiện việc làm học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, năm nào ông Năm cũng ghi rõ nội dung “tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở và phát hiện, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng”. Với bấy nhiêu “đầu việc”, trong một năm, ông Năm làm được ít nhất là vài vụ, có năm đến hơn 10 vụ việc (tiêu cực trong làm thủ tục giấy tờ nhà đất, hoặc các vụ làm khó, nhũng nhiễu dân ở một số cơ quan hành chính…). Có vụ xây dựng nhà trái phép tại phường 9 (quận 3) mới đây, qua câu chuyện nghe được tại quán cà phê sáng hàng ngày trên đường Rạch Bùng Binh, ông Năm âm thầm đi tìm hiểu và đối chiếu hồ sơ, tài liệu, thấy đúng như người dân nói, lúc đó mới đưa ra chính quyền yêu cầu kiểm tra, xử lý. Cũng qua thông tin truyền miệng ở quán cà phê cóc, ông Năm nghe được nhiều phản ánh của người dân về tiêu cực ở chỗ này, chỗ khác và đề nghị họ hợp tác đấu tranh phát hiện. Thực tế có nhiều vụ việc không phải như lời phản ánh, đồn đoán, ông Năm liền giải thích, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho mọi người hiểu và có cái nhìn đúng mực hơn.
7 năm tham gia sinh hoạt tại địa phương, năm nào ông Năm Phúc cũng được công nhận đảng viên xuất sắc, gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, điển hình dân vận khéo, người có công gương mẫu, tiêu biểu… Thế nhưng, như ông Năm nói: “Cái bằng lớn nhất của tôi những năm qua là được dân tin, dân mến phục và dân hiểu Đảng, hiểu pháp luật của Nhà nước mình hơn”.
MINH ĐỨC
Nguồn: sggp.org.vn