Núi Bà Đen cao 984m so với mực nước biển, cao nhất ở miền Đông Nam bộ án ngữ cửa ngõ ở hướng Bắc, Tây Bắc Sài Gòn. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh Mỹ - Ngụy đã chiếm giữ và xây dựng một căn cứ truyền tin trên đỉnh núi. Đây là trung tâm tiếp phát sóng liên lạc, quan sát, dùng hỏa lực bắn phá Chiến khu Dương Minh Châu và chế áp Quân Giải phóng Miền hoạt động trong khu vực nên có vị trí rất quan trọng.
Bám trụ, đánh tan đài chỉ huy của địch
Ngày 15/9/1974, sau khi được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn Trinh sát 47 từ Tiểu đoàn Trinh sát 46. Tiểu đoàn được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền quyết tâm tiêu diệt căn cứ của địch tại núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh nhắm bịt tai mắt của chúng, mở rộng địa bàn kiểm soát hướng Tây Bắc Sài Gòn, nghi binh đánh lạc hướng nhận định của địch để chủ lực ta thực hành đánh chiếm Phước Long.
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Trinh sát 47 về thăm lại chiến trường xưa
Sau khi tổ chức lực lượng bí mật tiếp cận căn cứ địch trên núi Bà Đen, lúc 1 giờ sáng ngày 6/12/1974 Tiểu đoàn nổ súng tiến công cứ điểm truyền tin.Sau 4 giờ chiến đấu, có 2 mũi quân ta đột nhập vào được bên trong. Mũi bên ngoài bị địch phát hiện dùng hỏa lực bắn chặn. Gặp nhiều khó khăn trong tiến công ta vẫn tiếp tâm bám trụ, vây ép lực lượng địch bên trong căn cứ. Cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát cao điểm chiến lược này diễn ra vô cùng khốc liệt giữa các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường lúc bấy giờ.
Phía Quân Giải phóng là Bộ đội trinh sát, Đặc công (gồm Tiểu đoàn Trinh sát 47, Liên đội 7 Trinh sát thuộc Phòng Quân báo Miền và 1 đại đội Đặc công Miền), phía Quân đội Sài Gòn là Liên đoàn 81 Biệt kích dù với sự yểm trợ tối đa của không quân, pháo binh. Bất chấp sự ác liệt, thương vong ta và địch giằng co quyết liệt từng mỏm đá, từng tấc đất, từng gốc cây trên núi.
Ngọn núi Bà Đen bị rung chuyển bởi hàng loạt bom, đạn đủ loại của kẻ thù dội xuống, với sức hủy diệt thảm khốc nhằm tiêu diệt, đè bẹp ý chí tiến công của quân ta. Ác liệt như vậy, nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng, các chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, thoắt ẩn, thoắt hiện, liên tục tấn công, khiến quân địch mất dần trận địa. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khá, trầm ngâm sau câu nói.
31 ngày đêm chiến đấu anh dũng dưới mưa bom, bão đạn của địch, lực lượng của ta đã vây hãm và đánh thiệt hại nặng sinh lực của địch, khiến chúng hoang mang, không còn ý chiế chiến đấu. Đến 1 giờ sáng ngày 6/1/1975, quân địch trong căn cứ dù được máy bay, phi pháo chi viện nhưng vẫn không chịu được trước sự công phá của ta nên cuối cùng phải bỏ căn cứ tháo chạy. Căn cứ truyền tin của Mỹ - Ngụy ở núi Bà Đen bị san phẳng, ta làm chủ căn cứ. Núi Bà Đen được giải phóng cùng ngày giải phóng Phước Long.
Mất căn cứ truyền tin quan trọng, địch tổ chức lực lượng gồm Quân đoàn 3 và lực lượng dù dưới sự yếm trợ tối đa của không quân và pháo binh quyết tái chiếm lại căn cứ. Vừa thắng lợi bước đầu cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 cùng các lực lượng phối thuộc lại tiếp tực bước vào trận chiến mới.
Liên tục trong nhiều ngày, cao điểm nhất là từ ngày 23 đến 26/1/1975, sau những đợt ném bom, bắn phá dữ dội, địch nhảy dù, đổ quân xuống đỉnh núi kết hợp với bộ binh tiến công từ dưới chân núi lên tạo thế gọng kìm quyết chiếm lại căn cứ. Với tinh thần quyết tâm và khí thế chiến thắng, tinh thần của bộ đội rất kiên định và quyết không để địch chiếm lại căn cứ bẻ gãy các cuốc phản công của địch khiến chúng chùn bước và từ bỏ âm mưu tái chiếm căn cứ núi Bà Đen.
Thế hệ trẻ Tiểu đoàn Trinh sát 47 nghe kể về những trận chiến đấu ác liệt trên núi Bà Đen
Phía sau cuộc chiến
Đã gần 43 năm, sau cuộc chiến ấy các cựu chiến binh của Tiểu đoàn Trinh sát 47 năm nào giờ đã lên chức ông, chức bà cả rồi. Nhưng trong tâm trí của mỗi người ký ức về trận đánh năm ấy luôn hiển hiện.
Phía sau chiến thắng là sự hy sinh lớn lao. Lớp người trước ngã, người sau tiếp bước. Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 là vô bờ bến. Khi lá cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen cũng là lúc toàn Tiểu đoàn đau xót, tiếc thương những người đã ngã xuống. Sự hy sinh của những chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 47 đã tô thắm thêm truyền thống của đơn vị.
Suốt cuộc chiến đấu ác liệt ấy 181 đồng chí đã vĩnh viễn ra đi vì nghĩa lớn. Sự hy sinh của các chiến sĩ đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến đến chiến thắng vĩ đại Ngày 30 tháng 4 lịch sử, non sông thu về một mối.
Ươm mầm xanh trên đá ghi nhớ sự hy sinh của đồng đội
Sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 trong trận đánh núi Bà Đen đã làm nên khúc tráng ca vĩ đại của đất nước. Thế hệ trẻ và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 hôm nay mãi mãi ghi nhớ công ơn những người con trung hiếu đã hy sinh tuổi thanh xuân vì công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn
Ngày nay, trong điều kiện và hoàn cảnh mới, được sự quan tâm của Đảng ủy – Bộ Tham mưu Quân khu 7, tập thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 luôn học tập, rèn luyện để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện, gắn với xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; giữ gìn tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.