(QK7 Online) – Ngày 24-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban liên lạc truyền thống Mặt trận Tây Nguyên (B3) – Quân đoàn 3 tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 47 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên (10/3/1975), 47 năm ngày Bộ đội chủ lực Tây Nguyên chuyển thành Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên 26/3/1975), 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022).
Các cựu chiến binh Quân đoàn 3 gặp gỡ tại buổi họp mặt
Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, với tài thao lược, nghi binh lừa địch, chọn đúng mục tiêu hiểm yếu, sau khi hoàn thành các đợt nghi binh, thu hút địch trên hướng Pleiku, ngày 10 tháng 3 ta dùng lực lượng mạnh tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Trận mở màn then chốt quyết định, điểm đúng huyệt; Buôn Ma Thuột thất thủ làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế trận của địch ở chiến trường Tây Nguyên.
Trong thế khốn quẫn, địch buộc phải đổ bộ đường không Sư đoàn 23 xuống Phước An hòng thực hiện phản kích, tái chiếm Buôn Ma Thuột. Từ ngày 12 đến ngày 18/3/1975 ta liên tục tiến công tiêu diệt hoàn toàn lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân, đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn 2 ngụy, hoàn thành trận then chốt thứ 2 của chiến dịch.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ghi dấu ấn lịch sử là một trong những chiến thắng lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến dịch Tây Nguyên đánh dấu bước trưởng thành mới về trình độ chỉ huy và thực hành chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng qui mô lớn của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, đồng thời mở ra bước ngoặt đưa cuộc chiến tranh từ tiến công chiến dịch tạo ra bước đột biến dẫn tới tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Xe tăng Trung đoàn 273 Mặt trận Tây Nguyên đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975. Ảnh: TTXVN
Ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 54/QP – QĐ thành lập Quân đoàn 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng, từ các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên “B3” chiến đấu trên địa bàn Tây Nguyên nay đã thành binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ, ngay sau khi mới được thành lập Quân đoàn nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 12/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 “Với lực lượng có trong biên chế, có pháo cao xạ chiến dịch chi viện đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch từ Tây Bắc vào Sài Gòn” diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm Hóc Môn, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Pháo binh, Bộ Tổng tham mưu ngụy và bảo vệ các mục tiêu đã chiếm.
Xe tăng Trung đoàn 273 cùng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy sáng 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Nói về Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch nhận xét “Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc”.
Khi đất nước thống nhất, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 vẫn tiếp tục hành quân chiến đấu truy quét Ful Rô trên hướng Tây Nguyên, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôl Pốt, hành quân ra Bắc làm lực lượng dự bị chiến lược và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Thành tích chiến đấu, hy sinh của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên, Quân đoàn 3 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý: Quân đoàn 3 được tuyên dương Anh hùng lực vũ trang Nhân dân (20/12/1979); 2 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Ăng co 1979; 54 Huân chương Quân công các hạng; 241 Huân chương chiến công các loại.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng nhận chức Trưởng Ban liên lạc truyền thống Mặt trận Tây Nguyên (B3) - Quân đoàn 3
Trung tướng Nguyễn Đức Hải tặng hoa chúc mừng phu nhân Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 3.
Ngày nay, tiếp bước truyền thống anh hùng “Quyết thắng, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nghiêm túc, thực lực” thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 luôn trân trọng và giữ gìn, đồng thời tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ để truyền thống ấy mãi mãi trường tồn và phát triển, bồi đắp tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Tuấn Anh