Về cuộc đời ông trước khi đi B là một câu chuyện, một hành trình. Khi còn nhỏ, ông Huỳnh Ngọc Ẩn ở nhà giúp đỡ bố mẹ và đi học. Đến năm 1947, khi ông mới 11 tuổi, nhờ được sự giáo dục của gia đình và các đồng chí hoạt động cách mạng, ông đã giác ngộ và xin đi theo cách mạng, làm nhiệm vụ liên lạc cho các cơ sở bí mật ở nội thành Vũng Tàu.
Trong những năm 1947 đến 1953, ông làm liên lạc cho các cơ quan bí mật, rồi Ban Công tác thành ở thị xã Vũng Tàu và được phân công hoạt động trá hình, với vai trò là một học sinh trong nội thành để tiếp nhận tin tức, tình hình… để gửi vào chiến khu.
Trong một lần hoạt động bí mật, ông bị địch bắt vào tháng 6-1953, qua nhiều ngày bị địch tra tấn, mặc dù bị đánh đập dã man nhưng ông đã giữ vững lập trường, trung thành với cách mạng, cương quyết không khai báo với địch, vì vậy đã giữ được bí mật cho cơ sở cách mạng nội thành Vũng Tàu. Không những vậy, thời gian sau khi bị địch kết án, bị giam giữ trong nhà lao của địch không làm lung lay ý chí người cán bộ cách mạng, ông tiếp tục bí mật hoạt động, bí mật liên lạc với bên ngoài, đưa tài liệu, tin tức từ bên ngoài vào nhà lao, giác ngộ, tuyên truyền cho cách mạng.
Năm 1954, kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông được trả về Cà Mau và ra Bắc tập kết tháng 11-1954. Trên đất Bắc, ông đã tích cực học tập, lao động, đóng góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ông được cử đi học lớp chính sách thuế công thương nghiệp ở Phân Sở thuế vụ Liên khu IV và công tác tại Chi sở thuế Thanh Hóa. Tháng 2-1959, ông được rút về phụ trách công tác tại phòng Kế toán tài vụ xí nghiệp, được cử đi học lớp bồi dưỡng kế toán tài vụ của Bộ Tài chính. Năm 1962, ông trở về Ty Tài chính Thanh Hóa làm việc. Trong thời gian làm việc tại đây, vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ông học đại học tài chính chuyên tu khóa IV từ năm 1970 - 1974.
Từ Ty Tài chính tỉnh Thanh Hóa, theo giấy chứng nhận chuyển đi ngày 18/3/1974, ông được cử đến Ủy ban Thống nhất Trung ương và tham gia đoàn công tác B, tiếp tục đóng góp sức mình phục vụ cách mạng, kháng chiến, giải phóng miền Nam. Trước khi đi toàn bộ giấy tờ cá nhân của ông được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ gồm 49 tờ có lý lịch cán bộ, thẻ cán bộ, quyết định cử đi học, quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy giới thiệu cấp tiếp lương thực… Từng trang, từng dòng chữ về người cán bộ đi B quê hương Bà Rịa là một câu chuyện đời, về một thời hào hùng của dân tộc toát lên ý chí, lòng yêu nước của lớp lớp cha anh đã đánh đổi để có hòa bình, độc lập.