(QK7 Online) - Ba mươi lăm năm ở Quân khu 7, tôi là chứng nhân của Báo Quân khu với bao thay đổi thăng trầm, từ thời anh Minh Khoa, Mai Bá Thiện, Trần Thế Tuyển, Dân Quyền, đến anh Phan Thanh Viếng, Trần Đại Ngoạn phụ trách cơ quan và bây giờ là Ngô Xuân Giang. Được các anh công nhận là cộng tác viên, có lúc cho làm đến Phó thư ký Chi hội, tôi đã cảm nhận và sẻ chia niềm vui, nỗi buồn của những con người tôi từng cộng tác trong thời điểm có ý nghĩa khúc quanh của đời người.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên Báo Truyền hình Quân khu 7 thực hành tác nghiệp
Cộng tác viên
Năm 1981, tôi đang dạy học ở trường Sĩ quan Chính trị thì nhận được quyết định chuyển về Quân khu 7. Bấy giờ, ngành lịch sử quân sự trong toàn quân mới thành lập. Nhu cầu tổng kết chiến tranh, biên soạn lịch sử quân sự đặt ra rất lớn, đặc biệt ở các quân khu và các tỉnh phía Nam. Phòng Lịch sử quân sự Quân khu 7 thành lập năm 1980 toàn sĩ quan lớn tuổi từ các chiến trường tụ về và một số anh từ báo Quân giải phóng chuyển qua, chưa ai được đào tạo cơ bản về khoa học lịch sử. Vào Trạm khách Quân khu 7 nộp giấy chờ, không hiểu Cục Chính trị sắp xếp thế nào tôi lại nhận được quyết định về công tác tại Bảo tàng Quân khu, ở 710/7 Nguyễn Kiệm. Bảo tàng trực thuộc Cục Chính trị. Vậy là hàng tháng, tôi phải vào Cục Chính trị để nhận gạo, thực phẩm (thịt, cá, nước mắm), học tập chính trị, họp Đoàn thanh niên.
Lân la chờ họp ở hội trường Cục, (hội trường Cục Chính trị bấy giờ liền nhà với Phòng Tuyên huấn),vào Phòng Tuyên huấn tôi mới biết có tờ báo Quân khu 7. Tòa soạn Báo Quân khu 7 rộng chừng hai gian, xếp các bàn làm việc của phóng viên, một bộ bàn ghế uống nước và tiếp khách, bên cạnh cái bảng lớn ghim các báo của các nơi gửi về. Tiếp tôi là anh Mai Bá Thiện, Phó Tổng biên tập báo. Tôi rụt rè: “Em viết bài được không?”. Anh Thiện cười: “Cậu ở đâu? Bảo tàng hả. Viết được chớ, viết được gì thì gửi vào đây”. Tôi về viết bài gửi và trở thành cộng tác viên của báo Quân khu 7 như thế.
Ở Bảo tàng được mấy tháng, tôi nhận được quyết định chuyển về Phòng Lịch sử quân sự. Thiếu tướng Hai Nhã (Lương Văn Nho, Phó Tư lệnh Quân khu phụ trách công tác lịch sử quân sự) nói với tôi: “Quân khu xin cậu từ ngoài Bộ về bổ sung cho Phòng Sử, Cục Chính trị xếp nhầm sang bên ấy”. Bên ấy tức là Bảo tàng.
Không như Bảo tàng, Phòng Lịch sử quân sự ở hẳn trong căn cứ Trần Hưng Đạo (khu dãy nhà khách của Trung tâm thể dục thể thao quốc phòng II bây giờ). Ở đây, quá gần Phòng Tuyên huấn, hở việc là tôi đạp xe sang Báo chơi. Tôi biết thêm các anh Trần Thế Tuyển, Vũ Ngọc Xiêm, Trần Hùng, Lê Hanh, Mai Xuân Thọ, Phạm Sĩ Sáu, sau thêm anh Dân Quyền, Phạm Văn Mấy nữa. Sang nhiều đến mức các anh coi tôi như người nhà, sai viết bài này bài nọ, cho ăn uống nhậu nhẹt chung. Có bữa đang nhậu, tôi và Mai Xuân Thọ cao hứng thông báo có thể mượn được phim video hay. Cả Tòa soạn ngồi nhậu cầm chừng chờ. Thọ chở tôi đi lòng vòng đến khuya rồi về nhà, quên mất chuyện mượn phim. Hôm sau chúng tôi bị anh Mai Bá Thiện cho một trận. Tôi cũng được các anh cho cùng học khiêu vũ. Hồi đó đang có phong trào khiêu vũ. Bên báo Quân đội, có Trần Hoàng nhảy rất giỏi, còn chụp hình đưa lên bìa phụ san Điện Biên Phủ. Không hiểu do ai đề xuất mà anh Thiện mời một thầy một cô ngoài Phú Nhuận về mở một lớp khiêu vũ cho anh em Tòa soạn. Tôi nhờ đó mà biết khiêu vũ.
Trong số các anh lãnh đạo Tòa soạn, tôi chơi thân nhất với Trần Thế Tuyển. Chúng tôi biết nhau khi mới thiếu úy, trung úy. Tôi viết bài giới thiệu truyện ngắn của Tuyển, đi nói chuyện về thơ của anh. Trong bài “Lịch sử không trôi về quá khứ” đăng trong kỷ yếu 30 năm Chi nhánh báo Quân đội nhân dân, tôi còn tự tin: “dường như tôi hiểu Tuyển hơn cả Tuyển hiểu chính mình”. Kế đến là Phan Thanh Viếng. Anh về Tòa soạn khi Báo đã chuyển xuống Tờ tin. Không khí trong phòng hiu hắt. Tôi không ngãng ra mà vẫn ở bên anh, đàn đúm bạn bè. Viếng đã có lần phiền lụy vì phản ứng của cơ quan cán bộ về bài viết Đội ngũ sĩ quan làm văn nghệ của tôi. Với anh em phóng viên, tôi kết thân với hai anh Phạm Văn Mấy và Mai Xuân Thọ, cùng đi bán báo ế, cùng hùn vốn mở quán cháo lòng, và cùng thua lỗ. Tôi cũng là người có không ít khuyết điểm. Anh em trong Báo Quân khu 7, vì thế, có người thích và có người không thích tôi. Nhân vô thập toàn, nghĩ cũng là lẽ tự nhiên.
Phó Thư ký Chi hội
Cuối năm 1986, Báo Quân khu 7 tổ chức Đại hội Chi hội báo. Anh Trần Thế Tuyển được bầu làm Chi hội trưởng. Anh Mai Bá Thiện giới thiệu tôi làm Chi hội phó. Anh nói: “Chi hội phó nên chọn một người ngoài Tòa soạn và có tiếng một tý”. Ý “Có tiếng” ở đây là tôi vừa có truyện ngắn Tiếng sóng đạt giải nhất cuộc vận động viết kỷ niệm sâu sắc 1984-1986 do Tổng cục Chính trị tổ chức. Mọi người đồng ý, chỉ giơ tay chứ không bỏ phiếu, kiểm phiếu gì. Tôi trở thành Phó thư ký Chi hội Báo Quân khu 7 như thế. “Nhiệm vụ Phó thư ký” của tôi được anh Mai Bá Thiện giao là liên hệ cho anh em Tòa soạn đi thực tế. Do yêu cầu công việc, tôi thường xuyên đi khảo sát điền dã lấy tư liệu viết sử nên quen biết nhiều địa phương trên địa bàn Quân khu.
Trong thời gian ngắn ngủi “giữ chức” Phó thư ký Chi hội, tôi làm được hai việc. Một là liên hệ với Công ty cao su Đồng Nai xin anh Lê Hanh chuyển ngành về văn phòng Đảng ủy phụ trách tờ tin của Công ty. Hai là liên hệ cho anh em trong Tòa soạn đi thực tế một chuyến ở Nông trường cao su Xà Bang.
Trong những năm 1987, 1988 tình hình đất nước dù đã có đổi mới vẫn còn rất nhiều khó khăn. Lực lượng Quân đội quá lớn vượt xa khả năng đảm bảo của nền kinh tế. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh chỉ thị giảm đến 60% quân số thường trực. Ngành lịch sử của tôi giải thể luôn Phân viện lịch sử quân sự gần cả trăm con người. Các báo quân khu cũng giải thể, chỉ duy trì tờ tin nội bộ. Báo Quân khu 7 chuẩn bị giải thể. Anh Trần Thế Tuyển được bác Phạm Đình Trọng ở báo Quân đội xin về. Các anh Mai Bá Thiện, Vũ Ngọc Xiêm, Phạm Sĩ Sáu, Trần Hùng, Mai Xuân Thọ đều đã có vị trí. Riêng anh Lê Hanh thì chưa. Anh Thiện bảo tôi: “Cậu quen nhiều, có nơi nào xin cho Hanh về”. Tôi dẫn Hanh lên gặp anh Trần Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Công ty cao su Đồng Nai. Sau có thêm thư tay của Thiếu tướng Trần Đình Cửu, Ông Bảy Trân, Bí thư Đảng ủy Công ty cao su Đồng Nai đồng ý nhận.
Riêng chuyện đi Xà Bang, thoạt đầu tôi không nghĩ lại bùi ngùi đến như thế. Vẫn anh Trần Văn Thịnh dẫn chúng tôi đi. Ban giám đốc Xà Bang chiêu đãi đoàn nhà báo tại nhà thủy tạ ở Bàu Sen, khu nghỉ dưỡng nằm lọt giữa bốn bề rừng cao su vắng ngắt. Có hẳn mấy em của đội văn nghệ xung kích nông trường đến đàn hát. Đêm giữa rừng cao su hoang lạnh. Rượu say. Tiếng hát của mấy em văn nghệ nông trường cao su, bài Chiều hạ vàng ai đó ngân lên nghe cứa vào lòng. Anh Mai Bá Thiện nói những lời như chỉ tâm sự với riêng mình, Phạm Sĩ Sáu, Trần Thế Tuyển và tôi đọc thơ. Phạm Sĩ Sáu đọc đến hai lần bài Điểm danh đồng đội. Báo Quân khu 7 sắp giải thể. Kỷ niệm những ngày làm báo thời chiến tranh chưa xa trong các anh nhói về. Đêm đó, chúng tôi không ngủ. Tiếng côn trùng và tiếng cá quẫy chen giữa những tiếng động trở mình.
Có lẽ đó là lần “chung đụng” cuối của tôi với các anh ở Tòa soạn Báo Quân khu 7. Sau lần ấy, các anh Trần Thế Tuyển, Mai Bá Thiện, Vũ Ngọc Xiêm, Phạm Sĩ Sáu, Trần Hùng, Mai Xuân Thọ, Phạm Văn Mấy lần lượt chuyển đi. Tôi hết vai trò Phó thư ký Chi hội, chuyên tâm nghề viết sử.
Đoạn kết
Sau này, Báo Quân khu 7 được thành lập trở lại. Những người mới được đào tạo bài bản hơn, có học lực và tri thức nghề nghiệp. Thời bùng nổ thông tin đa phương tiện, các anh ở vào thế cạnh tranh gay gắt hơn, phải phát triển quy mô và mở rộng hình thức thông tin ra nhiều lĩnh vực. Do công việc bù đầu, tôi ít sang Tòa soạn, chỉ thỉnh thoảng ghé vào khi có việc. Đến khi nghỉ hưu, tôi vẫn là cộng tác viên của Báo. Anh Ngô Xuân Giang vẫn đề nghị tôi viết bài này bài kia và không quên gửi về nhà riêng cho tôi báo mỗi số một tờ.
Dù vậy, hàm lượng kỷ niệm về Báo Quân khu 7 trong tôi đậm đặc nhất vẫn là thời tôi vừa kể. Thời gian như bóng câu. Anh Mai Bá Thiện nay đã thành người thiên cổ. Chúng tôi, những người còn lại đều đã nghỉ hưu, tóc bạc da mồi. Vậy mà tôi vẫn chưa thể nào quên được bài thơ Điểm danh đồng đội của Phạm Sĩ Sáu, giai điệu Chiều hạ vàng của em văn nghệ nông trường cao su, không thể quên được niềm tâm sự, nói hoặc không nói ra, của các anh ở Tòa soạn Báo Quân khu 7 vào cái đêm ở rừng Xà Bang năm ấy!
Đại tá PGS.TS Hồ Sơn Đài