Lữ đoàn Pháo binh 75 (Đoàn Pháo binh Biên Hòa), tiền thân là Ban Pháo binh (Ban 6), được thành lập tháng 8 năm 1961 để chỉ đạo lực lượng pháo binh Miền Nam, đến tháng 10 năm 1963 phát triển thành Đoàn U80; tháng 10 năm 1965 đổi thành Đoàn 69, tháng 01 năm 1969 thành Đoàn Pháo binh Biên Hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn pháo binh Biên Hòa đã thực hiện 12.989 trận đánh. Chỉ tính những trận đánh độc lập đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 50.661 tên địch, (có 25.000 tên Mỹ và chư hầu, hàng trăm sĩ quan cấp tướng, cấp tá); bắt sống 281 tên; bắn rơi và phá hủy 3.175 máy bay; bắn chìm và bắn cháy 222 tàu xuồng chiến đấu; phá hủy 2.145 xe quân sự, 1.257 khẩu pháo, trên 100 trạm Rađa và giàn tên lửa; bắn sập trên 2.000 sở chỉ huy, doanh trại, hầm ngầm, lô cốt; bắn cháy trên 11 triệu lít xăng dầu và 100.000 tấn vũ khí-trang bị. Những kết quả trên đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là 5 lần pháo kích vào sân bay Biên Hòa.
Chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh trong diễn tập bắn đạn thật
Trận pháo kích sân bay Biên Hòa lần thứ nhất (31/10/1964): Đúng 23 giờ 20 phút đêm 31/10/1964, Đoàn U80 nhận được lệnh phát hỏa, sân bay Biên Hòa bốc cháy sáng rực một góc trời. Ta đã phá hủy 59 máy bay các loại; 2 kho đạn; 1 kho xăng; 18 căn trại; loại khỏi vòng chiến đấu 293 tên Mỹ (hầu hết là giặc lái và nhân viên kỹ thuật). Ngày hôm sau tướng Taylo – Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vội vàng đến Biên Hòa để “thực thị”, cay đắng nhìn sân bay Biên Hòa khói lửa đổ nát, thốt lên: “Rõ ràng Việt cộng đã làm một việc mà trước đây họ chưa hề làm được, tôi không muốn nhìn cảnh tượng thế này nữa”. Chiến thắng sân bay Biên Hòa đã trả thù cho đồng bào ta bị chúng giết hại, làm nức lòng nhân dân cả nước và nhân dân thế giới. Nghe tin thắng trận Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài bình luận trên báo Nhân Dân số ra ngày 12/11/1964 để ca ngợi thành tích vẻ vang trên, kết thúc bằng bốn câu thơ:
“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu.
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu.
Thành đồng trống thắng, lay lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”
Được Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng trao tặng Huân chương Quân công giải phóng Hạng nhất, huân chương cao nhất của lực lượng vũ trang. Chiến thắng trên là một bước nhảy vọt về chất, là mốc đánh dấu sự khởi đầu lối đánh độc đáo của pháo binh, đưa pháo binh thành một binh chủng có khả năng đánh độc lập, bí mật thọc sâu tập kích rồi rút lui an toàn.
Trận pháo kích sân bay Biên Hòa lần thứ 2: (23/8/1965), phá hủy 68 máy bay, 8 giàn tên lửa, 22 bồn dầu, 33 xe vận tải, tiêu diệt nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ. Đơn vị được tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất.
Trận pháo kích sân bay Biên Hòa lần thứ 3: (12/5/1967), phá hủy 150 máy bay các loại, tiêu diệt nhiều tên địch. Đơn vị được tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 13/4/1967 Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng: “Pháo binh quân giải phóng Miền Nam tài giỏi anh hùng”, ngày 20/01/1969 Quân ủy-Bộ Tư lệnh Miền tặng danh hiệu Đoàn pháo binh Biên Hòa.
Trận pháo kích sân bay Biên Hòa lần thứ 4: (01/8/1972), Đại đội 13/ Đoàn pháo binh Biên Hòa đã pháo kích phá hủy 50 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Được tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất.
Trận pháo kích sân bay Biên Hòa lần thứ 5: (từ 14/4 đến 16/4/1975), kiềm chế, chế áp hoạt động của không quân địch, bắn cháy và phá hủy nhiều máy bay, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn pháo binh Biên Hòa còn được 2 lần trao cờ thưởng luân lưu thi đua “ Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ Tịch, được Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền Tặng cờ “ Quyết chiến, quyết thắng”, được Đảng, Nhà nước tặng 29 Huân chương Quân công; 925 Huân chương Chiến công, có 11 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đoàn pháo binh Biên Hòa được điều chuyển cho các Quân khu, Quân đoàn. Đơn vị rút gọn thành Trung đoàn 75, tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Tháng 2/1979 Trung đoàn phát triển lực lượng lên 3 lần: Trung đoàn 75B tăng cường cho biên giới phía Bắc; Trung đoàn 75C thực hiện nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia đến năm 1989 rút về nước. Được Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Trong thời kỳ đổi mới, Lữ đoàn pháo binh 75 (Đoàn pháo binh Biên Hòa) luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống đơn vị, nhiều năm liền Lữ đoàn được đánh giá là đơn vị huấn luyện giỏi, Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD, là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Quân khu. Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn cách mạng mới, Lữ đoàn 75 nhiều năm được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Pháo binh tặng cờ thi đua, đạt đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng 2005-2010; tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi 5 năm liền (1996-2000) và hàng năm; được tặng nhiều giải thưởng trong hội thao, hội thi; được Ban Chấp hành Trung ương đoàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tặng nhiều bằng khen các loại.
Để ghi nhận và tuyên dương những thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng đơn vị, ngày 22 tháng 02 năm 2010 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho “Đoàn Pháo binh Biên Hòa” - Lữ đoàn Pháo binh 75. Chính ủy Quân khu 7 cũng đã ký quyết định công nhận ngày chiến thắng sân bay Biên Hòa lần thứ nhất là ngày truyền thống của đơn vị.
Phát huy truyền thống, với niềm tự hào sâu sắc và trách nhiệm lớn lao, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn tiếp tục phát huy dân chủ, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết chặt chẽ; quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân địa phương trên địa bàn đóng quân xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đồng thời không ngừng nâng cao cảnh giác, huấn luyện giỏi, SSCĐ cao, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại tá VŨ VĂN TRỰC, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 75