Dịp này, đại gia đình chúng tôi đoàn tụ chúc mừng sinh nhật ông và cùng nhau nghe những câu chuyện hào hùng mà ngày xưa ông là người lính trẻ. Thế nên trong các môn học, môn lịch sử của tôi luôn được điểm cao nhất lớp. Vinh dự hơn còn được nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử nữa. Ông kể mà tôi hình dung ra được những "thước phim" sống động, hào hùng.
Những ngày này, ông tôi thường hay mở những bài hát liên quan về ngày lịch sử trọng đại này cho cả nhà cùng nghe, nhất là các con của tôi. Với một mong muốn con hiểu về ngày này đó là một mốc son trong lịch sử nước nhà. Và cũng muốn vun đắp thêm lòng yêu nước, niềm tự hào về dân tộc ta để phấn đấu hơn, học tập giỏi giang hơn. Ấy là bài "Hò kéo pháo", "Vết chân tròn trên cát"... Nhưng phải công nhận một điều rằng những ca từ ấy, giai điệu ấy tuy được sáng tác từ lâu rồi nhưng mỗi lần nghe lại trong lòng vẫn cảm nhận được như có lửa cháy hừng hực, tê tái, rần rật lan tỏa trong tim.
Ngày ấy ông cùng các bạn là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi dâng hết sự nhiệt thành của tuổi trẻ vào các chiến tuyến để chiến đấu mang hòa bình về cho đất nước. Ông tôi tham gia vào đoàn dân công huyện đi xây dựng hệ thống kênh mương, đắp đê sông Mã. Sau một thời gian ông đăng ký tham gia quân ngũ từ năm 1972, ông đã từng là anh giải phóng quân trực tiếp tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông kể lại những ngày chiến đấu có nhiều đêm triền miên giấc ngủ không thành, ngủ dưới hầm mà trên thì mưa bom bão đạn, ở dưới thì nước mưa sùng sũng cả người "ướt như chuột lội". Cũng có khi là những cơn sốt rét rừng Trường Sơn quật ngã ông đúng thời điểm những cơn mưa rừng trút hối hả khi đơn vị đang hành quân tăng cường lực lượng cho mặt trận. Là những lúc khó khăn thiếu thốn lương thực thực phẩm "đói lắm cháu ơi".
Ông vừa kể vừa nghẹn ngào. Rồi ông tiếp "Nhưng gian khó nào có hề hấn gì đâu. Ông và đồng đội ông luôn kiên cường, anh dũng với những chiến dịch, với những chuyến hành quân băng rừng, lội suối. Thế nên các con các cháu hãy học thật giỏi để đền đáp lại sự gian lao, hy sinh vất vả của cha ông mình". Lời ông dạy chúng tôi chả bao giờ quên được. Đó là câu nói như tiếp thêm sức mạnh để cố gắng học thành tài làm người có ích cho xã hội. Rồi ông sẽ mở ba lô con cóc thời chiến ra coi lại những kỷ vật năm ấy. Là những bức thư tay, là tấm hình đen trắng ông chụp cùng các đồng đội khi còn thanh niên. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để anh em chúng tôi luôn tự hào và thêm kính yêu ông rất nhiều.
LLVT Quân khu 7 trên tuyến đầu chống dịch.
Tuy bây giờ ông sống giữa thời bình cũng đủ đầy về mọi thứ, không còn chật vật, thiếu thốn như trước nhưng ông tôi vẫn giữ được nếp sống giản đơn của một người lính. Ông rất sạch sẽ, gọn gàng. Tôi ấn tượng về cách ông gấp chăn vuông góc. Tôi học mãi mà chẳng thành. Nhìn thì rất đơn giản mà rất khó. Gần 70 tuổi rồi nhưng mấy chục năm qua ông vẫn giữ thói quen dậy sớm tập thể dục. Bên ông, tôi học được nhiều đức tính tốt. Tôi yêu chất lính trong con người của ông, anh em chúng tôi càng thêm yêu và tự hào hơn về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Vẫn biết rằng thời gian có thể lấy đi sức khỏe nhưng những ký ức hào hùng về những năm tháng rực lửa vẫn luôn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của ông. Để rồi, cứ mỗi dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông lại thêm một lần được sống lại với những cảm xúc rất đặc biệt ấy. Cũng là ngày sinh nhật của ông, dẫu biết rằng những khi trời trở gió là vết thương trong thịt da lại trở đau nhưng luôn mong ông có thật nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống.