Ra đời từ gian khó…
Cao trào Đồng Khởi năm 1960 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được tổ chức trong một hệ thống thống nhất toàn miền. Nhu cầu thưởng thức văn hoá văn nghệ, nâng cao đời sống chính trị tinh thần cho bộ đội là một tất yếu khách quan. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam, Ban quân sự Miền chủ trương thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam trên cơ sở tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu nghệ thuật, hạt nhân văn nghệ của các đơn vị, và tiếp nhận một số nghệ sĩ từ miền Bắc vào. Tổng cục Chính trị cũng quyết định tăng cường một lực lượng văn nghệ sĩ của Sư đoàn 330 cho chiến trường B2.
Sau một thời gian chuẩn bị về con người, vật chất, xây dựng chương trình, tiết mục biểu diễn, tối ngày 20-12- 1962, trưởng phòng Chính trị Miền Lê Văn Tưởng đã đọc quyết định của Ban Quân sự Miền tuyên bố thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam. Trong điều kiện vô cùng gian khổ thiếu thốn, nhạc cụ không có, diễn viên không chuyên Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam vẫn nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát chiến trường, miệt mài lao động nghệ thuật, chủ động sáng tạo xây dựng nhiều chương trình với các tiết mục đặc sắc, phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân, khích lệ tinh thần chiến đấu, cổ vũ các lực lượng vũ trang bám trụ, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến trên chiến trường.
Ngoài hoạt động xây dựng lực lượng sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, những cán bộ diễn viên của đoàn còn là những người lính thực thụ, trực tiếp cầm súng chiến đấu, kiên trì bám trụ, vươn lên mọi gian khổ hy sinh, không nao núng ý chí, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Những cái tên Xuân Hồng, Vũ Thành, Trường Sơn, Kim Diệu, Trúc Linh… đã thành “bảo chứng” khi nhắc về Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam.
Vang mãi khúc tráng ca
Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam chia tách về Quân khu 7 và Quân khu 9; trên cơ sở đó, Đoàn Văn công Quân khu 7 ra đời. Phát huy truyền thống Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam, Đoàn Văn công Quân khu 7 không ngừng kiện toàn phát triển lực lượng, vừa thực hiện công tác chính sách sau chiến tranh, vừa xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam, tuyên truyền thành quả cách mạng, góp phần đấu tranh bài trừ tàn dư văn hóa thực dân. Mặc dù trong những điều kiện khó khăn chung của đất nước, của Quân khu, cán bộ chiến sĩ, diễn viên của Đoàn vẫn nỗ lực vươn lên, tích cực sáng tác, tập luyện. Trong giai đoạn này Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ cán bộ chiến sĩ trong chiến tranh biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẻ vang trên đất bạn Campuchia. Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, các thế hệ cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 7 không ngừng đổi mới, tự hoàn thiện mình để hòa nhập với xu thế chung của xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mình. Trong mỗi giai đoạn, chi bộ, ban chỉ huy Đoàn đều xây dưng đề án phát triển Đoàn, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ diễn viên. Hàng năm, đơn vị đều gửi cán bộ diễn viên đi đào tạo tại các trường có uy tín, chất lượng như trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh… đồng thời tự tổ chức tập huấn tại chỗ với phương châm người đi trước chỉ bảo kinh nghiệm cho người đi sau. Thượng tá Lê Thị Thu Giang – Phó trưởng đoàn Đoàn Văn công Quân khu 7 cho hay sau khi được Bộ Tư lệnh Quân khu phê duyệt đề án phát triển Đoàn Văn công, chỉ huy đoàn đã quyết định đột phá vào khâu nhân sự, nhằm bổ sung nhiều nhân tố mới cho đội ca và ban nhạc...
của Đoàn Văn công Quân giải phóng - Ảnh: Tuấn Anh