VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Còn nhớ một buổi sáng cuối mùa khô tháng 5-2012, đoàn làm phim tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Quân khu 7 đã về chiến trường xưa Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh) và Xưởng chế biến mủ tờ, Nhà máy chế biến Lộc Ninh, Công ty cao su Lộc Ninh. Đây cũng là 2 “địa chỉ đỏ” đã gắn bó cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Lúc này, vị tướng già đã ở tuổi 92 và vừa qua cơn “bạo bệnh” tai biến nên phải ngồi trên xe lăn và phát âm rất khó khăn. Thế nhưng, qua nét mặt, ánh mắt, cử chỉ của ông khi về lại chiến trường xưa như vẫn đầy cảm xúc hồi tưởng lại một thời kỳ lịch sử oai hùng nhưng đầy gian lao thử thách của cách mạng Việt Nam.
Đại tướng rất xúc động khi đến thăm nơi ở của mình tại Khu di tích lịch sử Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết và Hội trường Bộ chỉ huy Miền, Nhà lưu niệm... Tuy không nói được nhưng qua phiên dịch của Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài cho chúng tôi biết: Vị tướng già như đang sống lại những ngày tháng hào hùng, khi Bộ chỉ huy Miền dời về Tà Thiết (tháng 2-1973), để chuẩn bị chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân năm 1975. Trong các vị lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền chỉ duy nhất Đại tướng Lê Đức Anh còn sống và ông chính là nhân chứng lịch sử bước ra từ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, kết thúc bằng chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Khu di tích lịch sử Bộ chỉ huy Miền, đoàn làm phim tư liệu về Đại tướng Lê Đức Anh đã ghi nhận nhiều hình ảnh và tư liệu lịch sử những ngày ông đã sống, làm việc ở đây.
Đặt tay lên những khối mủ tờ tại xưởng mủ tờ, Công ty Cao su Lộc Ninh, Đại tướng rưng rưng nước mắt khi nghe lãnh đạo công ty báo cáo về thành tựu, niềm tự hào của sản phẩm sơ chế cao su Lộc Ninh. Trong đó, mủ tờ là sản phẩm duy nhất được tiếp nhận duy trì sản xuất từ dây chuyền sản xuất mủ tờ đồn điền cao su Lộc Ninh những năm 1925-1930. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm công ty sản xuất khoảng 2.000-3.000 tấn theo đơn đặt hàng của Công ty Michenlin (Pháp).
Trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh viết thật giản dị: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, trao đổi với nhau về tình hình đất nước bàn cách đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ ở làng quê...”. Tháng 10-1939, thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Lộc bị bắt. Hệ thống cơ sở bị vỡ, phong trào cách mạng Phú Lộc bị tổn thất nặng nề; số cơ sở còn lại phải rút vào hoạt động bí mật nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của Đảng sau này.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Lê Đức Anh đã vào hoạt động công khai ở Lộc Ninh và lập ra nhóm công nhân cách mạng nòng cốt để tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Cách mạng tháng 8-1945, đồng chí là Ủy viên Ban Cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư Chi bộ Lộc Ninh và lãnh đạo công nhân, nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số giành chính quyền ngày 23-8-1945.
NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC LÊ ĐỨC ANH LÀ TƯỚNG TRẬN
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cả dân tộc long trọng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để tất cả người con đất Việt tưởng nhớ, trân trọng những nhân vật lịch sử, qua những con người, nhân vật cụ thể, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh, người đã cùng viết nên bài học vẻ vang của lịch sử dân tộc. Bởi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một tướng trận. Ông luôn có mặt ở những “điểm nóng” nhất và trở về trong chiến thắng.
Năm 1984, ông được phong quân hàm Đại tướng. Trong cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu hơn 30 năm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 10 năm giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Tại thời điểm cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968, ông là Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, ông là Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, kiêm Tư lệnh Đoàn 232 - cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn - Gia Định.
Nói về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Thực hiện lời căn dặn của anh Lê Duẩn “phải giải phóng nhanh nhất”, sau khi Phước Long - tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng (6-1-1975), Bộ chỉ huy Miền bắt tay vào làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ làm chủ yếu, tính toán kỹ thấy thiếu 1 quân đoàn. Anh Phạm Hùng và anh Trần Văn Trà thống nhất trong Bộ chỉ huy Miền, điện xin Trung ương đưa Quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2. Cả Bộ chỉ huy Miền gần như thống nhất: sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng 4-1975, vì sang tháng 5 đã là đầu mùa mưa...”.
Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 8-4-1975. Tư lệnh là Đại tướng Văn Tiến Dũng; Chính ủy Phạm Hùng. Phó Tư lệnh là các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện (ngày 22-4 bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn); Phó Chính ủy là Trung tướng Lê Quang Hòa; Quyền tham mưu trưởng Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền. Trước khi tổng công kích vào Sài Gòn, Trung ương Cục cùng Bộ chỉ huy chiến dịch về cơ bản đã cài xong thế trận cô lập Sài Gòn - Gia Định. Chỉ sau ngày 9-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc - Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam bộ, đồng thời huy động lực lượng lớn nhất cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam gồm 4 quân đoàn và 1 đơn vị tương đương quân đoàn, với 5 cánh quân theo 5 hướng đã vào thế vây chặt Sài Gòn, đợi lệnh đồng loạt tấn công. Phong trào nổi dậy của quần chúng ở ven đô và nội đô cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng chờ dịp vùng lên.
Thời điểm đó, Bộ chỉ huy Miền (B2) nhận định hướng Tây - Tây Nam là nơi khó nhất vì sình lầy, nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Đô (Cần Thơ). Đoàn 232 gồm các sư đoàn 3, 5 và 9; 4 trung đoàn độc lập, 1 trung đoàn đặc công có 3 nhiệm vụ: chia cắt hai lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và tấn công Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào ngày 26-4, buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc.