Họa sĩ Đào Tấn Hưng đang thực hiện bức tranh ghép gốm
Họa sĩ Đào Tấn Hưng sinh ra ở Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, ông đã có sở thích nặn tượng từ đất bùn, vẽ tranh trên đất, và theo thời gian, niềm đam mê hội họa trong ông cứ lớn dần thêm...
Đến tuổi trưởng thành, ông tham gia bộ đội, thuộc biên chế Đoàn 10, (Căn cứ rừng Sác). Trong một lần bị thương, được đưa về điều trị ở tuyến sau, ông đã được nhiều người biết đến tài năng qua bức ký họa chân dung của đồng đội bằng than củi. Đó cũng là bước ngoặt đưa ông đến với con đường hội họa bài bản hơn.
Bức tranh về người chiến sĩ trong chiến đấu.
Lấy cảm hứng từ cuộc sống quân ngũ, tranh của ông đều vẽ về đồng đội, những người lính đã và đang chiến đấu trong quân đội. Ngoài ra còn có các mảng đề tài về quê hương miền Đông Nam Bộ, đất nước, con người Việt Nam... Tranh của ông cũng rất nhiều thể loại: chân dung, tỉnh vật, phong cảnh, tranh cổ động.
Ông cho hay, “khó nhất khi vẽ tranh người lính, đó là làm sao để toát lên phong thái tự tin, lạc quan, nói dễ hiểu là làm cho tranh phải có “hồn”. Cái đó không phải ai cũng vẽ được nếu chưa trải qua môi trường quân ngũ. “Hồn” ở những bức tranh khác nhau như: Trong chiến đấu, luyện tập, lúc bị thương... đều thể hiện được ý chí, bản lĩnh kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ”.
Bức tranh Tổ quốc đầu sóng ngọn gió 2.
Bên cạnh tranh sơn dầu thì ông còn biết đến với những bức tranh ghép gốm đặc sắc, mang đậm phong cách riêng. Xuất phát từ suy nghĩ, Đồng Nai là vùng đất gốm nổi tiếng, là 1 họa sĩ sao không kết hợp 2 thứ để tạo ra tranh gốm. Ông gọi đó là cái “duyên” với đất Đồng Nai, và cho đến bây giờ, ông đã trải qua hơn 15 năm đồng hành cùng tranh gốm.
Với sự hiểu biết về hội họa, ông tự tìm đến các lò gốm xem chất liệu, kích thước, màu sắc... đồng thời tìm đến các nghệ nhân vẽ tranh gốm ở cả trong Nam, ngoài Bắc để tìm hiểu cách làm. Ban đầu sử dụng keo dán các mảnh gốm liền với nhau, giá đỡ thiếu chắc chắn, độ bền không cao, khó bảo quản; quá trình tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu giúp ông làm ra loại keo của riêng mình. Đến giờ, tranh của ông có thể đặt ở ngoài trời trong thời gian dài.
Thời gian để ông hoàn thành bức tranh mất khoảng nửa tháng, từ lên ý tưởng, vẽ phác thảo, số lượng gốm, màu sắc, kích cỡ... sau đó đến tận lò gốm để đặt, khi có gốm tiến hành cắt theo kích thước để phù hợp với từng bức tranh và cuối cùng là ghép các mảnh gốm vào giá đỡ. Một số tác phẩm tiểu biểu của ông như: Hoa Biển, Về nguồn, Tổ quốc đầu sóng ngọn gió 1 và 2, Ba lần tiễn con đi... Đã được dự triển lãm mỹ thuật ở khắp khu vực miền Nam và cả nước. Các bức tranh sơn dầu của ông cũng từng tham gia rất nhiều triển lãm tranh và nhận được một số giải thưởng, nhưng giờ đây, bao tâm huyết ông đều dồn hết vào làm tranh gốm.
Họa sĩ Đào Tấn Hưng đang sáng tác bức tranh về cảng biển.
Trong bộ sưu tập của ông, những bức tranh gốm về biển đảo như: Tổ quốc đầu sóng ngọn gió, biểu tượng về Nhà giàn và những cột sóng dập dờn, cho thấy sự gian khổ, khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng người lính Nhà giàn vẫn hiên ngang, vượt qua gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Họa sĩ bên bức tranh chân dung bằng gốm về Đại tá Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước.