Sau khi đất nước hòa bình, ngày 15-6-1976 Cơ sở may quân trang được đổi tên thành Xí nghiệp May Cục Hậu cần, trực thuộc Quân khu 7 với nhiệm vụ may mặc, sản xuất quân trang phục vụ quốc phòng, trang phục dân quân tự vệ, dự bị động viên, sản xuất đồng phục cho các cơ quan đơn vị trong và ngoài Quân đội, may các loại sản phẩm tham gia thị trường nội địa và gia công xuất khẩu.
Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm qua mới thấy sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động của xí nghiệp may ngày nay. Từ vài máy may thô sơ đến nay đã có gần 500 cán bộ, công nhân viên cùng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng kế hoạch sản xuất hàng năm 1 triệu sản phẩm, đem về doanh số 93 tỉ đồng mỗi năm. Đặc biệt thực hiện được các yêu cầu kỹ thuật cao như áo jacket xuất khẩu dành cho thị trường Nhật, Mỹ và Châu Âu. Đây cũng là một trong những mũi chủ công chiến lược của xí nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo được vị trí trong ngành may mặc trong nước và quốc tế.
Ban Giám đốc Xí nghiệp làm việc với đối tác nước ngoài
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước, chỉ tiêu giao nộp về trên, Xí nghiệp còn quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động (thu nhập bình quân năm 2017 là hơn 7.600.000 đ/người); bảo đảm bếp ăn tập trung cho công nhân, chất lượng từng bước được cải thiện, duy trì bữa ăn giữa ca (17.000 đ/người/bữa) bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời bảo đảm chăm lo đời sống trong dịp tết Nguyên đán, thưởng ABC, thâm niên, thưởng tết, quà công đoàn; bình quân 10.400.000đ/người (tổng chi gần 3 tỷ đồng).
Tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân
Dù gặp không ít khó khăn như đơn vị chuyển đổi pháp nhân, loại hình hoạt động sau khi thực hiện Quyết định điều chuyển đơn vị của Bộ Quốc phòng hay các đơn hàng may mặc nội địa giảm mạnh; một số mã hàng phải sản xuất và giao hàng gấp; lực lượng công nhân có thời gian chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất; giá cả vật tư, nguyên liệu biến động theo chiều hướng tăng…, nhưng với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao có trình độ học vấn, tay nghề cao, được đào tạo cơ bản, có tâm huyết, có năng lực quản lý, điều hành và năng lực nghiên cứu, cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đã tạo tiềm lực cho xí nghiệp vượt qua khó khăn, vững vàng trong hội nhập, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
Từ những chiến công thầm lặng của người lính may đo năm xưa, cùng những kết quả đạt được của Xí nghiệp May ngày nay - một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quân khu 7, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Cơ sở sản xuất quân trang, Cục Hậu cần Miền (B2), tiền thân của Xí nghiệp May, Cục Hậu cần Quân khu 7.