Nguyễn Mỹ sinh ngày 21/2/1936, tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình trung nông, có 5 anh em. Trong kháng chiến ông tham gia phong trào thiếu nhi, vận động đời sống mới và các hoạt động thông tin cổ động tại địa phương, vừa đi học vừa giúp đỡ gia đình. Năm 1950, khi mới 14 tuổi ông đã tham gia cách mạng, là nhân viên tại Ty Thông tin tuyên truyền Đăc Lắc.
Tháng 3/1954, địch càn ra Phú Yên, ông tham gia du kích rồi nhập ngũ vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Ngày 19/5/1955, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Trung đoàn Pháo binh, làm khẩu đội trưởng pháo cối với quân hàm hạ sỹ. Ông bị bệnh đau dạ dày và viêm mũi kinh niên, nhưng nhiệt huyết cách mạng, tình yêu Tổ quốc đã thôi thúc ông không ngừng cố gắng, vượt qua bệnh tật và tiếp tục đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1960, ông chuyển ngành, sau đó làm nhạc công ở Đội Văn công Tây Nguyên. Năm 1961, ông được cử đi học lớp xuất bản Trường lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa. Từ năm 1962, là Biên tập viên Nhà xuất bản Phổ thông, Biên tập viên sách văn nghệ, thời sự, chính sách. Ông có rất nhiều khả năng công tác, có thể làm pháo thủ toàn năng, pháo cối 81, 82, 120mm; có thể nung vôi, làm gạch ngói, làm thợ xây, biên tập sách và làm thơ…
Là người luôn luôn tích cực, cố gắng công tác, tự học hỏi, tích cực xung phong nhận phần việc khó về mình, có tinh thần chiến đấu, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, đạt nhiều thành tích, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Ông đã được tặng thưởng Huân chương vẻ vang, Huy chương kháng chiến, nhiều bằng khen của Sư đoàn, Trung đoàn. Ông được kết nạp Đảng ngày 1/02/1968. Trong dịp sơ kết 6 tháng đầu năm 1968, ông được công nhận là đảng viên 4 tốt; lao động tiên tiến và cán bộ công đoàn cơ sở 4 tốt.
Với nhà thơ, được trở về Nam chiến đấu công tác là một nguyện vọng tha thiết mà ông hằng ấp ủ, nhiều năm chủ động đề đạt nguyện vọng, ông đã toại nguyện. Năm 1968, ông đã được điều động đến Ủy ban Thống nhất Chính phủ và nhận nhiệm vụ công tác ở chiến trường B.
Khi chuyển về nhận nhiệm vụ mới tại Ban Tổ chức Trung ương, ông được nhận xét: “đồng chí Nguyễn Mỹ đã tỏ ra có tinh thần phấn đấu để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam. Sự biểu hiện của tinh thần ấy là: sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần đến. Dù gặp khó khăn, nguy hiểm vẫn không quản ngại. Trong công tác biên tập, khi được phân công đi công tác về những nơi xa xôi, nguy hiểm, đồng chí Mỹ vẫn hăng hái ra đi và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi được giao biên tập những cuốn sách hoặc tờ tranh nào, đồng chí Mỹ cũng cố gắng làm tròn, không kể khối lượng được giao ít hay nhiều, đề tài phải làm khó hay dễ. Trong công tác chuyên môn đã đạt được nhiều tiến bộ...”
Kỷ vật là những phần ký ức về con người ông còn gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước khi trở lại miền Nam (nay do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý) gồm những bản sơ yếu lý lịch, đơn xin kết nạp Đảng và các giấy tờ khác…Người chiến sĩ ấy, hồn thơ ấy đã nằm lại nơi chiến trường năm 1971 nhưng những dòng chữ nghiêng nghiêng chói ngời lý tưởng cách mạng cùng những vần thơ vẫn còn đó, “Như chưa hề có cuộc chia ly”!