Trước khi lên đường trở lại chiến trường B, anh Nguyễn Văn Ngay đã để lại nhiều loại giấy tờ, kỷ vật: Chứng minh thư, sơ yếu lý lịch, giấy giới thiệu, phiếu chuyên sinh hoạt Đảng, nhiều bằng khen, giấy khen, Huân chương chiến thắng, Huy hiệu chiến sĩ vẻ vang…
Trong những tư trang ấy, nội dung các bản kiểm thảo của anh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả về tư tưởng, thái độ chính trị, ý chí của anh đối với chính bản thân, với Đảng, với sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Thấy rõ những ưu, khuyết điểm của mình, đồng chí đưa ra hướng sửa chữa đúng đắn: Đối với tập thể “Trong công tác Đảng từ đây đến sau tôi tích cực hơn, tức là nhắc nhở và đôn đốc các tổ sinh hoạt đều đặn, thường xuyên báo cáo tư tưởng sai của chi bộ và quần chúng cho cấp ủy và chi bộ đặt kế hoạch lãnh đạo, uốn nắn kịp thời, làm cho đảng viên cũng như quần chúng trình độ ngày nâng cao để đáp ứng tình hình cách mạng mới hiện nay”, đối với cá nhân thì “bỏ tư tưởng suy tính cá nhân, bất cứ Đảng giao công tác nào quyết tâm hoàn thành cho tốt” và “hết sức cảnh giác”. Những dòng tự nhận xét, đánh giá của anh dù ngắn hay dài, dù nhiều hay ít cũng góp phần xây dựng nhận thức của mỗi người trong hành vi, trách nhiệm trước chính mình, tập thể, cộng đồng xã hội.
Học tập các thế hệ cha anh đi trước về vấn đề “phê bình” và “tự phê bình” cũng như nhận thức rõ được mình cần phải làm gì, sửa đổi như thế nào đối với mỗi đảng viên hay quần chúng hiện nay đã trở thành nội dung hết sức quan trọng trong mỗi cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình để bản thân không chỉ vững vàng lập trường tư tưởng trước tình hình chính trị ngày càng có nhiều biến động mà còn góp phần lớn nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo trong công tác cũng như cuộc sống.