Sự hình thành và phát triển của quê hương “Mười tám thôn vườn trầu”
Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh - Nguyễn phân tranh nên đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Những người nông dân đầu tiên đến đây đã ra sức chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống thú dữ; lao động gian khổ, cật lực, khai phá rừng rậm, bãi hoang để trồng tỉa và chăn nuôi. Chủ yếu họ trồng lúa, khoai và hoa màu, dần dần họ phát triển thành những vườn cây ăn quả. Đặc biệt họ trồng trầu cau thành những mảnh vườn xanh tốt quanh năm. Người nông dân đã lập ra những thôn - ấp, từ 6 thôn đầu tiên dần dần được phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, “Mười tám thôn vườn trầu” đã là nơi dân cư trù mật và là nơi chuyên canh trồng trầu cau nên có tên gọi chung là “Mười tám thôn vườn trầu”.
Địa giới của “Mười tám thôn vườn trầu” bao gồm huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần đất của huyện Củ Chi ngày nay (thôn Tân Phú - nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Trung tâm của “Mười tám thôn vườn trầu” là các thôn Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay thuộc xã Thới Tam Thôn). Riêng thôn Tân Thới Nhứt (nay là xã Bà Điểm) là một trong 6 thôn đầu tiên của Mười tám thôn vườn trầu. Thời Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên “Điểm” nên thôn Tân Thới Nhứt còn có địa danh là Bà Điểm. Đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian địa danh Hóc Môn có tên gọi từ đây (hóc hẻm có nhiều cây môn).
Mười tám thôn vườn trầu thời kỳ đầu thế kỷ XX
Mười tám thôn vườn trầu hôm nay
Bên cạnh truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó lao động xây dựng quê hương, nhân dân “Mười tám thôn vườn trầu” vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời. Khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tấn công thành Gia Định (1859), nhân dân Hóc Môn - Bà Điểm đã liên tục tham gia chiến đấu dưới các ngọn cờ khởi nghĩa của: Trương Định - Trương Quyền (1859 - 1870), Nguyễn Ảnh Thủ (1871). Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn vườn trầu (1885) do 2 ông Phan Công Hớn và ông Nguyễn Văn Quá lãnh đạo, nghĩa quân tấn công vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn), giết chết tên Đốc phủ sứ gian ác Trần Tử Ca, tay sai đắc lực của thực dân Pháp.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, nhân dân Mười tám thôn vườn trầu một lòng một dạ theo Đảng, tích cực hưởng ứng các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939. Nằm kế cận Sài Gòn với địa hình, địa thế thuận lợi nên Hóc Môn - Bà Điểm được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước trong thời kỳ 1936 - 1939. Các đồng chí lãnh đạo Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai… đã được nhân dân ở đây nuôi giấu, che chở.
Tại làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), Trung ương Đảng đã mở 5 cuộc hội nghị quan trọng. Đặc biệt là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11-1939) do đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã ra quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Gia đình bà Nguyễn Thị Sóc, bà Nguyễn Thị Giả, ông Trần Văn Hy, ông Phan Văn Đối là những cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng, nơi họp Hội nghị Trung ương. Trong hồi ký của mình, đồng chí Hoàng Quốc Việt - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng thời kỳ 1936 - 1939 đã viết: “Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào cơ sở đem cho hội nghị thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu là họp gì, chỉ biết là hội nghị quan trọng của Đảng”.
Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), dưới sự lãng đạo của Đảng nghĩa quân làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) đã anh dũng tấn công vào các đồn bót địch ở Lăng Cha Cả, bót Vườn Tiêu, bót Ngã năm Vĩnh Lộc, bót Phú Lâm… Thời kỳ này, làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) được vinh dự là nơi có 4 Xứ ủy viên - Xứ ủy Nam Kỳ đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là các đồng chí: Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, Mai Công Tự, Lê Văn Khương.
Thời cơ đến trong Cách mạng Tháng Tám (1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Mười tám thôn vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm đã tích cực tham gia giành chính quyền tại địa phương (ngày 24-8-1945) và biểu tình vào Sài Gòn chào mừng Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi (25-8-1945).
Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Hóc Môn - Bà Điểm là vùng tranh chấp quyết liệt giữa địch và ta. Tuy nhiên các cơ sở cách mạng của Đảng vẫn tồn tại và phát triển dưới sự đùm bọc và che chở của nhân dân Hóc Môn. Vì vậy, qua phong trào Đồng Khởi (1961), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), các cơ sở cách mạng đã làm tốt công tác trinh sát dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiến công, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.