Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu-Đông 1947, địch sử dụng lực lượng mạnh đánh lên Việt Bắc, bằng nhiều hướng, mũi nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta, tìm diệt chủ lực của ta.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng ta đã bình tĩnh giải quyết, từ bất ngờ, bị động bằng mưu lược khôn khéo, từng bước giành và giữ được quyền chủ động đánh địch trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch.
Giành chủ động đã khó, giành chủ động trong những tình thế khó khăn, phức tạp còn khó hơn nhiều. Thời kỳ đầu thực hành chiến dịch, chúng ta ở vào tình thế hết sức khó khăn. Từ ngày 7-10-1947, quân Pháp huy động lực lượng lớn quân chính quy, hình thành 2 gọng kìm, bao vây căn cứ địa Việt Bắc, hòng “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh; tìm diệt chủ lực của ta…”. Trong tình thế đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch và Bộ chỉ huy mặt trận, ta đã hành động quyết liệt, từng bước giành lấy quyền chủ động bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Sau một thời gian, chúng ta kịp thời tổ chức các hoạt động nắm địch, từng bước nắm rõ được quy mô lực lượng và ý đồ, hành động của chúng, có các biện pháp hợp lý tác động vào địch, kìm giữ địch, điều động địch, đưa địch vào các khu vực có lợi cho ta để đánh địch.
Bộ đội ta tham gia Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Ảnh tư liệu
Ta nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, các lực lượng du kích, các cơ quan Trung ương, Liên khu 1 tổ chức thành các lực lượng chiến đấu vũ trang toàn dân, các đơn vị chủ lực tổ chức theo phương châm đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, đây là một sáng tạo về nghệ thuật dụng binh, một kinh nghiệm về tổ chức lực lượng không chỉ ở tầm chiến dịch mà cả về chiến lược. Chiến dịch này chúng ta đã mạnh dạn phân tán gần 30 đại đội độc lập về hoạt động ở các châu, huyện của Khu 1, 10, 12, kịp thời đánh địch, giành quyền chủ động. Các lực lượng của chiến dịch triệt để tận dụng thế thiên hiểm của địa hình rừng núi, tích cực cải tạo địa hình tạo thế có lợi để đánh địch. Chúng ta đã hành động kịp thời và quyết liệt, tạo thế cài xen, đánh địch rộng khắp, bám đánh liên tục, quy mô nhỏ lẻ là phổ biến, phục kích là chủ yếu, kết hợp phá cầu, phá đường. Trên Đường số 4, quân Pháp phải bỏ lại thiết bị nặng, hành quân bộ lấy lừa, ngựa vận tải là chủ yếu, tốc độ cơ động chậm. Trên sông Lô, quân địch liên tục bị chặn đánh, quân dưới sông không hiệp đồng được với quân trên bộ. Ở Bắc Kạn, quân dù liên tục bị đánh, bị tiêu hao ở Chợ Mới, Chợ Đồn, Phủ Thông và xung quanh thị xã Bắc Kạn. Các trận đánh được tổ chức chặt chẽ, có ý đồ rõ ràng đẩy quân Pháp càng vào sâu càng bị bao vây, cô lập, bị chia cắt, tiêu hao mạnh.
Chủ động lựa chọn cách đánh, buộc địch phải bị động đánh theo cách đánh của ta. Trong Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu-Đông 1947, nhìn tổng quát về cách đánh, ta không dựng phòng ngự để đánh lại quân địch tiến công, mà lấy hoạt động tác chiến tiến công làm chủ yếu để tiến hành chiến dịch phản công quân địch tiến công ở địa hình rừng núi. Có tác chiến phòng ngự, nhưng không phải là phổ biến và có phòng ngự cũng kết hợp với tiến công, phòng ngự thế công, lấy tiến công để phòng ngự. Cách đánh chủ yếu của chiến dịch là du kích chiến, vận động chiến và du kích vận động chiến, với quy mô nhỏ là chủ yếu, nhằm vào các đơn vị quân Pháp đang cơ động để tiến công. Vận dụng nhiều hình thức chiến thuật phù hợp điều kiện và khả năng của ta, trong đó phục kích, tập kích là chủ yếu, nhất là phục kích. Tạo thế xen kẽ, đánh rộng khắp, kìm giữ, căng kéo địch. Bộ đội chủ lực tác chiến quy mô tiểu đoàn, dựa vào chiến tranh du kích để tác chiến, tuy chưa đánh được tiêu diệt lớn, nhưng đánh tiêu diệt nhỏ khá tốt. Chúng ta đã chủ động, lựa chọn cách đánh hợp lý và với cách đánh này buộc quân Pháp phải đánh theo cách đánh của ta. Ta vừa đánh vừa phân hóa địch, kìm giữ, điều động địch theo ý định tác chiến của ta. Địch muốn phân tuyến để sử dụng hỏa lực, ta tạo thế xen kẽ với địch ở hầu hết các khu vực tác chiến. Ta có nhiều biện pháp hiệu quả để hạn chế chỗ mạnh của địch là hỏa lực và cơ động, đồng thời đánh vào chỗ yếu chí mạng của địch là bảo đảm hậu cần, làm hạn chế đáng kể khả năng bảo đảm hậu cần của chúng. Quá trình chiến dịch, Bộ chỉ huy mặt trận chủ động chuyển hóa thế trận tạo ra thời cơ, đánh thắng các trận đánh chủ yếu của chiến dịch.
Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu-Đông 1947, bằng chính cách đánh ta đã giành và giữ được quyền chủ động đến khi kết thúc chiến dịch. Đây là bài học lớn cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện tác chiến mới, nhất là khi tiến hành tác chiến phòng ngự, cần phải phòng ngự vững chắc ở các trọng điểm và phải kết hợp chặt chẽ với tiến công...
Trung tướng, PGS, TS TRẦN THÁI BÌNH
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng
Nguồn: qdnd.vn