Dù máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, Bác Hồ vẫn ở lại Thủ đô cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta chống Mỹ và xây dựng kinh tế thời chiến.
Để trực tiếp, thường xuyên nắm được tình hình chiến sự ở cả hai miền Nam, Bắc và có thể chỉ đạo kịp thời quân, dân ta thực hiện nhiệm vụ trên, theo đề nghị của Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Thông tin đã lắp 3 chiếc máy điện thoại phục vụ Bác. Nơi đặt máy là góc bên trái phía trong tầng 1 Nhà sàn, nơi Bác ở và làm việc. Trong 3 chiếc máy điện thoại này, một chiếc vỏ nhựa màu xanh nõn chuối và hai chiếc vỏ màu đen.
Chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu xanh nõn chuối là chiếc điện thoại được Người thường xuyên sử dụng để làm việc trực tiếp với các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Được lắp đặt sáng 1/5/1965, chiếc máy mang số 729 thuộc Tổng đài 600, Văn phòng Phủ Thủ tướng, chỉ dành riêng phục vụ Bác Hồ. Từ chiếc máy điện thoại này, Bác Hồ có thể liên hệ thẳng đến đồng chí Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng), đồng chí Ba (đồng chí Lê Duẩn), đồng chí Năm (đồng chí Trường Chinh), đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Văn Tiến Dũng…
Vỏ máy làm bằng nhựa, ruột bằng kim loại do CHDC Đức (trước đây) sản xuất. Máy dài 19 cm, chiều rộng 14 cm, cao 11 cm, chiều dài ống nghe 22,5 cm.
Vào đầu năm 1966, cũng do yêu cầu của Văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Thông tin đã cử các cán bộ phối hợp với Cục Bưu điện Trung ương lắp đặt thêm 2 máy điện thoại để Bác Hồ sử dụng. Hai chiếc điện thoại vỏ màu đen này được đặt cạnh chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu xanh nói trên.
Một trong hai chiếc máy này là để Bác làm việc trực tiếp với Cục Tác chiến, chiếc kia Người dùng để trực tiếp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân.
Hai chiếc máy điện thoại có vỏ nhựa màu đen được chế tạo tại Trung Quốc, ruột bằng kim loại, chiều dài 19 cm, rộng 15 cm, cao 14 cm, ống nghe dài 22,5 cm. Sau khi lắp đặt xong, các máy điện thoại này đều được Bộ Tư lệnh thông tin giao cho cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch quản lý.
Sau đó, do cuộc chiến bằng không quân mà đế quốc Mỹ tiến hành ngày càng diễn ra ác liệt, Bộ Chính trị đã xây dựng căn hầm (H66) để bảo vệ an toàn cho Bác. Để phục vụ Người khi làm việc dưới hầm, Bộ Tư lệnh Thông tin lắp tiếp 3 chiếc máy song song cùng số máy như ở Nhà sàn xuống căn hầm H66. Vào mùa hè năm 1967, Bộ Tư lệnh thông tin lại cho lắp tiếp 3 chiếc máy điện thoại cùng số như vậy ở hành lang Nhà H67…
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, 3 chiếc máy điện thoại đã được cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi chép, đánh số kiểm kê. Chiếc máy có vỏ nhựa màu xanh nõn chuối mang số BTHCM 1015/KL-34, một chiếc máy có vỏ nhựa màu đen có số BTHCM 1010/KL-32, chiếc còn lại mang số BTHCM 1011/KL-33.
Trong những năm 1985-1986, cả 3 chiếc máy điện thoại này đã được nghiên cứu xác minh và trình Hội đồng tiếp nhận định giá hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hội đồng đã xác định tính nguyên gốc cũng như giá trị nhiều mặt của hiện vật. Hồ sơ khoa học về 3 chiếc máy điện thoại đã được xây dựng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, bảo quản và tuyên truyền giá trị của hiện vật…
Năm tháng qua đi, những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó. Cùng với những hiện vật khác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch, 3 chiếc máy điện thoại này góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền tư tưởng, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn: baochinhphu.vn