Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Trường Quân sự Quân khu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Việt Thủy
Ngày 10/12/1945, tại Hội nghị quân sự Nam Bộ do Xứ ủy lâm thời tổ chức (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An) ra quyết định thành lập Khu 7 - một tổ chức quân sự hành chính do đồng chí Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, đồng chí Trần Xuân Độ làm Chủ nhiệm Chính trị.
Trở về từ Hội nghị quân sự Khu bộ trưởng Nguyễn Bình giao nhiệm vụ cho các đồng chí: Xuân Diệu, Nguyễn Quang Phục, Mạnh Liên là cán bộ nòng cốt của Trại huấn luyện Vĩnh Cửu “lo việc đào tạo cán bộ cho khu và trường này là Trường Quân chính của Khu 7”. Ngày 12/12/1945 Trường Quân chính Khu 7 thành lập tại xã An Sơn, Thủ Dầu Một, Hiệu trưởng đầu tiên là Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình.
Khóa học đầu tiên của nhà trường mang tên Hồ Chí Minh, khóa thứ 2 mang tên Võ Nguyên Giáp. Trải qua 9 năm kháng chiến, trường có lúc là lớp học, khóa học, có lúc là đơn vị chiến đấu. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn gian khổ, nhà trường đào tạo được 11 khóa học viên, 1 lớp thiếu sinh quân với 1.145 cán bộ quân sự, chính trị cho khắp các địa phương miền Đông và các đơn vị ở Nam Bộ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc thắng lợi, tại Hiệp định Gơnevơ Pháp buộc phải công nhận độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương, nhà trường giai đoạn này không còn tồn tại. Tháng 11/1960, Trung ương cục miền Nam quyết định khôi phục và hình thành các đơn vị LLVT cách mạng, trong đó có các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện.
Ban Quân sự Miền do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến đứng đầu quyết định tách một bộ phận của Đại đội 70 (đơn vị chủ lực đầu tiên của Miền) để thành lập Trường huấn luyện tân binh mang mật danh c50, Trường c50 do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng Ban Quân sự Miền làm Hiệu trưởng.
Tháng 6/1961, trước nhu cầu đào tạo cán bộ cho Miền ngày càng cao, Ban Quân sự miền quyết định thành lập Trường huấn luyện tân binh và Tiểu đội trưởng mang mật danh c850 tân binh và tiểu đội trưởng.
Tháng 8/1961, Ban Quân sự Miền quyết định hợp nhất 2 trường mang mật danh c50 và c850 thành Trường Quân chính sơ cấp miền mang mật danh c86. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự, chính trị sơ cấp mỗi năm 2 khóa.
Tháng 11/1968, trước yêu cầu nhiệm vụ mới để phù họp với tình hình Ban Quân sự Miền quyết định chuyển Trường Quân chính sơ cấp Miền mang mật danh c86 sang làm nhiệm vụ bổ túc cán bộ trung cấp, đào tạo cán bộ sơ cấp, lấy phiên hiệu H12, mỗi năm đào tạo 2 khóa.
Cuối tháng 11/1968, đứng trước yêu cầu cao về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ trung cấp cho các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường, Bộ chỉ huy Miền quyết định tách một phần của Trường Quân chính sơ cấp Miền H12 thành lập Trường Trung cao Miền mang phiên hiệu H14. Trường Quân chính sơ cấp Miền H12 sau này phát triển thành Trường Sĩ quân Lục quân 2 hiện nay. Trường Quân chính trung cao Miền H14 được giao nhiệm vụ đào tạo, bổ túc, tập huấn cho cán bộ trung cấp (cả quân sự và chính trị) cho bộ đội chủ lực và địa phương.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 7/10/1975, Trường Trung cao Miền H14 chính thức chuyển phiên hiệu thành Trường Quân chính Khu 7.
Ngày 23/9/1991, Bộ Quốc phòng quyết định điều chỉnh các Trường Quân sự địa phương, từ năm 1991, Trường Văn hóa Quân khu, Trường đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy và Trường Hậu cần kỹ thuật lần lượt sát nhập vào trường và mang phiên hiệu Trường Quân sự Quân khu 7 với nhiệm vụ đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, sỹ quan các đơn vị và cán bộ QSĐP, đào tạo SQDB, HSQCH & nhân viên CMKT, bồi dưỡng KTQP cho cán bộ lãnh đạo các địa phương và giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 20 năm sau chiến tranh (1975-2000), nhà trường đào tạo, bồi dưỡng được 22 khóa với 16.052 học viên ra trường đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển LLVTQK7.
Từ năm 2000 đến nay, Trường Quân sự Quân khu 7 có sự phát triển mạnh mẽ, quy mô đào tạo ngày càng mở rộng với gần 20 đối tượng, không chỉ cho LLVT Quân khu mà cả cho các Quân khu, đơn vị của Bộ ở phía Nam.
Hiện nay, nhà trường đang triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; 100% cán bộ, giáo viên nhà trường có trình độ cao đẳng, đại học, trong đó có hơn 20% trình độ sau đại học (2 tiến sĩ). Kết quả học tập của các đối tượng đào tạo, huấn luyện hầu hết đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm 100% đạt yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 80%.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của trường trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhà trường nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng cùng nhiều phần thưởng cao quí khác.
Đặc biệt, năm 2004, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Những năm gần đây nhà trường thường xuyên được nhận cờ, bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về thành tích xuất sắc trong giáo dục đào tạo, trong thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng...
Tự hào và phát huy truyền thống hào hùng của nhà trường suốt 77 năm qua, toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên nguyện ra sức phấn đấu, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, rèn nghiêm, phấn đấu vươn tới những đỉnh cao mới trong giáo dục đào tạo, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, mãi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường “Chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, dạy tốt, học tốt, liên tục trưởng thành”, xứng đáng là nhà trường anh hùng, xứng đáng với vị thế, vai trò trong xây dựng LLVT Quân khu nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.