Tăng trưởng GDP vượt mọi dự báo
Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay ước đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6.5%. Với số liệu ước tính này, Việt Nam thuộc nhóm ít nước tăng trưởng GDP cao trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đều tăng so với dự báo hồi đầu năm hay giữa năm. Đây là nhận xét khách quan của các tổ chức quốc tế. Kịch bản điều hành kinh tế - xã hội Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ vào quý III/2024 cho thấy, trong quý cuối năm 2024, nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão, lũ hay những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta có cơ sở để đạt được mức tăng trưởng 7% năm 2024.
Giá vàng biến động chưa từng có trong lịch sử
Năm 2024, giá vàng SJC và vàng nhẫn liên tục ghi nhận mức tăng kỷ lục khi vàng miếng SJC lên 92 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn 89 triệu đồng/lượng.
Theo dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới, các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng đã thu hút 4,3 tỷ USD - dòng tiền chảy vào trong tháng 10, nâng tổng lượng nắm giữ lên 3.244 tấn.
Cuối cùng, nhu cầu vàng tại các nền kinh tế mới nổi và đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ngân hàng trung ương các nước dự kiến sẽ gia tăng dự trữ vàng, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực phi đô la hóa sau cuộc họp BRICS. Trung Quốc và Ấn Độ đang bước vào mùa cưới hỏi thường niên và nhu cầu vàng dự kiến sẽ tăng vọt.
Xuất nhập khẩu tăng tốc ấn tượng, tiếp tục là điểm sáng kinh tế
Theo Bộ Công thương, ước tính cả năm 2024, kim ngạch XNK đạt gần 800 tỷ đô USD, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa mức kỷ lục XNK 732 tỷ USD vào năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD. Nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu năm nay ước đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% và vượt xa mức 354,7 tỷ USD của năm 2023. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trên thị trường tài chính.
Du lịch bùng nổ sau đại dịch Covid-19
Năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ về du lịch sau đại dịch. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025, ngành Du lịch đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19; phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm. Ngành cũng đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Tính chung 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15.8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Châu Á (12.6 triệu lượt người) và Châu Âu (1.78 triệu lượt người).
Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
Trước thềm năm mới 2025, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng, qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế trong thời gian tới
Bão Yagi gây ảnh hưởng nặng đến nhiều tỉnh phía Bắc
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tổng thiệt hại về kinh tế do bão Yagi gây ra ước tính trên 81.703 tỷ đồng. Nhiều ngành nghề sản xuất bị đứt mạnh tăng trưởng sau 5 tháng liên tục ghi nhận tăng.
Theo thống kê và nhận định của Chính phủ Việt Nam, cụ thể là trong nghị quyết số 143, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước có thể giảm 0,15% so với kịch bản dự báo, tốc độ tăng trưởng của nhiều tỉnh thành phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai có thể giảm trên 0,5%.
Đến cuối năm 2024, báo cáo của Cục Quản lý Đê, điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) trong "Diễn đàn Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai" cho biết tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, con số này được cho là tương đương với tổng thu ngân sách nhà nước toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng (chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế).
Đây là mức thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay do bão lũ gây ra, thiệt hại kinh tế gấp 4 lần so với trung bình thiệt hại do thiên tai 10 năm gần đây, vượt qua tổng số thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng của năm 2017 dù đây là năm có nhiều bão đổ bộ vào Việt Nam.
Nhiều lĩnh vực nhất là công nghiệp, logistics, du lịch, nông nghiệp bị gián đoạn hoạt động; nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể trả nợ đúng hạn cho ngân hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng lên tới 100.000 tỷ đồng, ngành bảo hiểm đối mặt với nhiều yêu cầu bồi thường. Cơn bão cũng gây ảnh hưởng tới đời sống, tâm lí của một bộ phận người dân và gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đầu tư đường dây 500kv mạch 3 kéo điện ra Bắc
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, với gần 520 km đường dây mạch kép giúp kéo điện ra miền Bắc, khánh thành vào ngày 29/8/2024. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, đường dây 500 kV gồm hai mạch kép đường dây, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã/phường, của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh.
Dự án đường dây 500 kV mở ra tư duy mới không chỉ trong ngành điện mà cả trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng của Việt Nam đó là nếu thực sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm thì các công trình lớn có thể hoàn thành vượt kế hoạch.
Dự án này đã tạo nên một “kỳ tích” cho ngành điện khi thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục chỉ hơn 7 tháng kể từ khi khởi công (ngày 18/1/2024), góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.
Vinfast bán chạy số 1 Việt Nam
VinFast chính thức trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 khi bàn giao hơn 51.000 ô tô điện các loại, vượt qua nhiều thương hiệu quốc tế như Toyota, Hyundai, Kia…. Đây là lần đầu tiên một hãng xe thương hiệu dẫn đầu thị trường ô tô, đặc biệt trong phân khúc xe điện đang phát triển nhanh chóng.
Tiền thu thuế cả nước lần đầu tiên vượt 1,7 triệu tỷ đồng
Theo Tổng cục Thuế, số thu do ngành thuế quản lý năm nay ghi nhận mức kỷ lục, vượt 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023).
Với tiến độ này, tính cả dự toán năm 2025, thu ngân sách giai đoạn 5 năm có thể cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, vượt 0,7 triệu tỷ so với mục tiêu Quốc hội giao. Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế đạt khoảng 16-17% GDP. Trong đó thu từ thuế, phí trên 14% GDP.
FDI tăng trưởng ấn tượng
Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, đạt 31,38 tỉ USD (tính đến tháng 11-2024); vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỉ USD, tăng 7%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). Có 15 công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 8 tỉ USD.
Tâm An