Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Trung tướng Lê Nam Phong 27 tuổi. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất của một vị tướng trận mạc. Sau "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non", ông cùng đồng đội chiếm được đồi Độc Lập, cùng với các đơn vị bạn chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Với chiến thắng này, quân Pháp phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm hỏi Trung tướng Lê Nam Phong tại buổi gặp mặt tướng lĩnh Quân đội phía Nam (năm 2019)
Trung tướng Lê Nam Phong sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Từ bé, tận mắt chứng kiến cảnh người dân lầm than bị bọn thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột, nên ông sớm giác ngộ cách mạng. Kháng chiến bùng nổ, ông hăng hái tham gia vào lực lượng Vệ Quốc đoàn và sau đó gia nhập Đại đoàn quân Tiên phong. Từ năm 1945-1954, ông đã có mặt trong tất cả các trận đánh lớn như chiến dịch Biên giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình... cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trung tướng Lê Nam Phong, nhớ lại: “Đến bây giờ chắc tôi là vị tướng có nhiều biệt danh nhất. Các biệt danh đều là dấu ấn con người của tôi trong từng chiến trận, mặt trận. Hồi đánh trận Điện Biên Phủ, tôi còn trẻ và “sung” lắm. Lúc đó tôi là đại đội trưởng và khi tham gia trận đánh thì tôi quyết tâm… xuống tóc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy vậy đặt tên là “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này là hàng loạt tên khác, như: Nam “lửa” vì tính khí nóng nảy; Nam “bình toong” vì mỗi lần trước khi vào trận chiến đấu là mở bình toong, rồi nốc một ngụm rượu; Nam “hỏa lực” vì chỉ huy đánh trận nào là sử dụng hỏa lực rất mạnh”.
Ông kể rằng sau khi đánh xong đồi Độc Lập, đại đội ông nhận được nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực. Để có chỗ ẩn nấp, đại đội của ông phải đào chiến hào, công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo không kịp khô. Khó chịu nhất là đầu tóc lúc nào cũng lấm lem bùn đất nên anh em hầu hết bị nấm. Không còn cách nào khác, cả đại đội cạo trọc đầu.
Trận đánh mở màn của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh chiếm đồi Độc Lập, một cứ điểm quan trọng của thực dân Pháp đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông từ Tây Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954. Trong rừng người, cờ hoa rực rỡ, “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Hà Nội bừng tiến quân ca”.