Tháng 1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp quân sự vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đánh dấu thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ và xu thế tất thắng của cách mạng, làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng quân sự và chính trị trên chiến trường miền Nam. Trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đã hình thành một lực lượng chính trị đông đảo và LLVT ba thứ quân, sẵn sàng chiến đấu với mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trước những chuyển biến nhanh chóng của chiến trường, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình và hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975. Ngày 12/4, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra chỉ thị hướng dẫn những công tác quan trọng trước, trong và sau chiến dịch khi Thành phố được giải phóng. Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho LLVT Sài Gòn - Gia Định khẩn trương sắp xếp bố trí lực lượng để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
LLVT Thành đội Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh có các đơn vị: Trung đoàn 10 Rừng Sác, Trung đoàn Gia Định 1, Trung đoàn Gia Định 2, 6 Tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 2 Gò Môn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Tiểu đoàn 6 Bình Tân, Tiểu đoàn 7 Củ Chi) và các đơn vị đặc công biệt động nội thành. Ngoài ra, các huyện, xã đều có lực lượng du kích dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Tất cả các lực lượng được quán triệt về chính trị, tư tưởng, sẵn sàng phối hợp tác chiến với lực lượng chủ lực của cấp trên, đánh chiếm các mục tiêu quân sự của địch, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng.
Phát huy vai trò nòng cốt của LLVT tại chỗ
Các binh đoàn chủ lực cơ động từ xa tới, thời gian chuẩn bị lại rất gấp, nên việc nắm địa bàn tác chiến gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, phối hợp tác chiến giữa LLVT tại chỗ với các đơn vị chủ lực là vấn đề quan trọng hàng đầu. Ngay khi các cánh quân của ta áp sát Sài Gòn và trong suốt chiến dịch, LLVT Thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cánh quân đánh chiếm bàn đạp và mở đường, dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực thọc sâu, đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu ở nội đô. Đặc biệt, LLVT tại chỗ đã phối hợp với lực lượng đặc công, biệt động đánh chiếm, bảo vệ các cây cầu để đại quân ta tiến vào Thành phố. Trong đó, đối với cầu Rạch Chiếc, ta phải chiến đấu suốt hai ngày đêm, đánh bại hàng chục đợt phản kích, mở đường cho mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải ra lệnh cho toàn bộ quân địch hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Tự hào với những đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, phát huy hào khí chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và truyền thống “Trung thành vô hạn, bám trụ kiên cường, đoàn kết kỷ cương, năng động sáng tạo, quyết chiến quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP.HCM đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần Anh hùng LLVT Nhân dân, nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ Quân sự Thành phố vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, LLVT Thành phố vững mạnh toàn diện. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Thành phố tiếp tục tham mưu hiệu quả giúp Thành ủy - UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giữ vững ANCT-TTATXH, tham gia phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước.