Nhờ có thiết bị máy trợ thính vừa được Bệnh viện 7A/ Quân khu 7 tặng mà trong lần gặp lại cụ Tô Đình Cắm mới đây, câu chuyện của chúng tôi đã không còn bị ngắt quãng. Nhớ về một thời oanh liệt của 70 năm trước, trong ký ức của người đội viên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) duy nhất còn sống hôm nay, cụ Tô Đình Cắm vẫn không thể nào quên hình ảnh người đội trưởng tài, đức vẹn toàn, Thiếu tướng Hoàng Sâm.
“Ông ấy hoạt động cách mạng lâu lắm rồi, tôi cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng ông ấy ở Cao Bằng, Bắc Kạn đã lâu, người Tày, người Nùng, người Mán quý ông lắm, ông ấy nói tiếng đồng bào cũng rất giỏi”.
Trung tướng Trần Đơn, UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 7
trao quyết định tặng nhà tình nghĩa của Bộ Quốc phòngcho Cụ Tô Đình Cắm
Ảnh: X.G
- Tướng Hoàng Sâm là người như thế nào, thưa cụ?
Hoàng Sâm à, hình dáng ông ấy to, cao, trông rất là khoẻ khoắn, oai phong lắm. Đặc biệt ông ấy võ rất là giỏi, ngày đó còn thi đấu với bọn giặc Phỉ mà.
- Nghĩa là như thế nào, cụ có thể kể lại rõ hơn ạ?
Chuyện này tôi cũng không được trực tiếp mà chỉ nghe kể lại là ông Hoàng Sâm phân tài cao thấp với tướng thổ phỉ về uống rượu, bắn súng, đấu võ khiến cho giặc Phỉ nể phục và xin kết tình anh em.
- Cụ gặp tướng Hoàng Sâm trong hoàn cảnh nào?
Nhà tôi lúc đó bị lính Tây tịch thu hết, có hôm đang ăn cơm với bà mẹ tôi thì có người đến, tôi mới nói: à lính Tây xuống đây, nếu lính Tây là tao bắn, lúc sau có mấy người vào nhà, người đi trước đeo hai khẩu súng rồi nói với tôi rằng: không chỉ riêng ông cũng như gia đình ông mà tất cả bà con, nhân dân cả nước đều căm thù giặc Tây, nhưng lúc này ông mà bắn thì cái địa phương này tan nát hết.
Vậy mình mới biết chứ, sau đó hỏi mới biết ông tên là Kỳ (tên thật của Thiếu tướng Hoàng Sâm).
- Cụ có thể kể lại thời gian được cùng công tác, chiến đấu với đội trưởng Hoàng Sâm?
Tôi ở với Hoàng Sâm cũng được mấy năm trời, ông Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì còn lâu hơn nữa, Hoàng Sâm sống rất là tình cảm, ông thương anh em chiến sĩ lắm…mùa đông tháng rét ở rừng, đêm nằm ngủ ông còn đi đắp chăn, sửa màn cho từng người, kiểm tra hết đồng đội, còn dưới sự chỉ huy của Hoàng Sâm, chúng tôi đánh từ Phai Khắt, Nà Ngần, đánh Đồng Mô đến khắp nơi luôn… (cười)
- Thế đội trưởng Hoàng Sâm lúc ra trận thì như thế nào?
Dũng cảm lắm, chỉ huy thì rất là quyết đoán, anh em ai cũng nể phục.
- Ông còn nhớ là ngày thành lập Đội VNTTGPQ thì Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng luôn hay sao?
Không phải, tôi nhớ là khi thành lập đội xong thì cả đội họp rồi giới thiệu, lựa chọn người có khả năng gì không, có được anh em tín nhiệm không, bỏ phiếu hẳn hoi chứ. Ông Hoàng Sâm làm đội trưởng, ông Mạc Thạch làm Chính trị viên cũng bầu hết.
Khi biết tin ông ấy hy sinh, không biết làm thế nào, chỉ biết khóc thôi. Giờ thì mình không nhớ nổi nữa đâu, tuổi già rồi mà… (không nói gì thêm, xúc động đưa bàn tay già nua giụi giụi nơi khoé mắt).
Tiểu sử đồng chí Hoàng Sâm Tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 tại làng Lệ Sơn huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình, là Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam và là đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam TTGPQ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm Khu trưởng Liên khu 2. Khu trưởng Liên khu 3 (1946 – 1950). Ngày 1 tháng 1 năm 1948, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh sắc phong quân hàm Thiếu tướng cho ông (cùng đợt phong với 8 Thiếu tướng khác). Năm 1953, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304. Ông từng làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, tham gia giải phóng Thị xã Thà Khẹt. Sau đó ông được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm Tư lệnh Quân khu 3, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn; Tư lệnh Quân khu Trị – Thiên. Ông hy sinh ngày 15 tháng 12 năm 1968 tại chiến trường Trị – Thiên ở tuổi 53. Ông đã có 41 năm liên tục công tác và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999. |
THẾ ANH
(ghi theo lời kể của cụ Tô Đình Cắm)