PV: Những đặc điểm chủ yếu tác động đến nhiệm vụ giáo dục QPAN của nhà trường là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Minh Tòng: Trường Quân sự Quân khu 7 có Trung tâm giáo dục QPAN, đảm nhiệm giáo dục QPAN cho sinh viên. Nhà trường có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đều là sĩ quan Quân đội, được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực, chuyên môn tốt; nhiệt tình, trách nhiệm, giàu kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý sinh viên. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục QPAN ngày càng được củng cố và bổ sung hoàn chỉnh. Hệ thống ký túc xá, giảng đường, thao trường, bãi tập được đầu tư khang trang, đầy đủ, đáp ứng tốt được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục QPAN theo chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc thống nhất thời gian, chương trình học tập với các trường liên kết. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến hoạt động giáo dục QPAN bị gián đoạn; một số nội dung lý thuyết phải triển khai giảng dạy qua internet, trong khi nhiều sinh viên chưa đủ điều kiện để bảo đảm học tập theo phương pháp này nên chất lượng giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng...
PV: Để khắc phục những khó khăn ấy, nhà trường đã triển khai những giải pháp gì thưa đồng chí Hiệu trưởng?
Đại tá Lê Minh Tòng: Năm 2021, toàn bộ doanh trại, cơ sở vật chất của Trung tâm giáo dục QPAN được sử dụng để làm bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị bệnh nhân Covid-19 và hiện nay là bệnh viện dự phòng chiến lược của Bộ Quốc phòng trong phòng, chống dịch. Do đó, nhiệm vụ giáo dục QPAN cho sinh viên trong điều kiện mới đòi hỏi phải thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo thực hiện mô hình giảng dạy các môn học giáo dục QPAN cho sinh viên thông qua internet. Đây là giải pháp hiệu quả, vừa bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu, chất lượng giáo dục, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, nhà trường rà soát chặt chẽ nội dung dạy học, lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ và kinh nghiệm, bảo đảm an toàn an ninh mạng, tổ chức dạy học đúng nội dung, chương trình, thời gian; phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết triển khai đồng bộ, thống nhất; tổ chức quay phim giáo viên giảng dạy và dựng phim theo từng bài học, môn học; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, lập website, xây dựng phần mềm, quản lý vận hành hoạt động giảng dạy chặt chẽ...
Với phương pháp này, nhà trường có thể tổ chức nhiều khóa học cùng lúc; rút ngắn thời gian phải đưa sinh viên về Trung tâm giáo dục QPAN mà vẫn bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Nhà trường chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm phong phú, sát với nội dung môn học, kiểm tra đánh giá kết thúc phần lý thuyết của sinh viên bằng hình thức thi trắc nghiệm. Phần thực hành chấm điểm theo nội dung bài học cụ thể với từng sinh viên, bảo đảm khách quan, trung thực, chặt chẽ, đúng quy định...
Nhờ vậy, năm 2021, nhà trường hoàn thành 25 khóa giáo dục QPAN cho hơn 9.300 sinh viên; kết quả có gần 44% khá, giỏi.
PV: Năm 2022, nhà trường đột phá vào những nội dung gì trong công tác giáo dục QPAN, thưa đồng chí?
Đại tá Lê Minh Tòng: Hiện nay, nhà trường liên kết với 26 trường đại học, cao đẳng, số lượng sinh viên dự kiến hơn 27.000 người. Lưu lượng sinh viên lớn, đòi hỏi phải làm tốt công tác quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục QPAN. Do vậy, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khảo sát chất lượng giáo dục QPAN làm cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và giáo dục, quản lý sinh viên phù hợp với từng đối tượng; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, thi, kiểm tra đánh giá thực chất kết quả các học phần trên cơ sở xây dựng ngân hàng đề thi phong phú, đa dạng, bảo đảm khách quan, trung thực; tổ chức học tập nghiêm túc, duy trì đầy đủ các chế độ, nền nếp; tăng cường định hướng chính trị, hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên... Năm 2022, nhà trường phấn đấu kết quả học tập của sinh viên 100% đạt yêu cầu, trong đó có 70% khá, giỏi trở lên; 100% sinh viên rèn luyện khá, tốt, góp phần cùng nhà trường hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Hiệu trưởng!