Thoát chết trong gang tấc
Công tác binh vận và mua sắm vũ khí của Nguyễn Bình được xứ ủy Bắc kỳ đánh giá cao. Ông đã bí mật liên lạc với Lê Phú - một người bạn làm thủy thủ trên tàu của Pháp, hợp tác mua súng đạn, vũ khí cho cách mạng, song song với đó, ông còn vận động tướng tá, binh sĩ trong quân đội Nhật chuyển hướng theo cách mạng. Nguyễn Bình còn tập trung vào công tác tuyên truyền, ông lập đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều, gồm 5 người: Sư Tuệ, Hải Thanh, Vũ Đình Thiệp, Thiệu, Lê Hải.
Ngày 6/6/1945, nghe tin Nhật sẽ đánh đồn Bảo an Chí Linh vào ngày 8/6, Ban lãnh đạo khởi nghĩa chùa Bắc Mã quyết định ra tay trước. Theo kế hoạch đã định, sáng ngày 8/6, đội vũ trang tiến hành nổ súng trên quốc lộ 18, diệt 4 đồn (đồn Đông Triều, đồn Mạo Khê, đồn Tràng Bạch, đồn Chí Linh) phá kho thóc của giặc phát cho nhân dân. Chiều cùng ngày, đội vũ trang tuyên truyền Đông Triều họp ở Hổ Lao, tuyên bố chính thức thành lập chiến khu Đông Triều, bầu Ủy ban quân sự cách mạng gồm 3 đồng chí; Nguyễn Bình, Trần Cung và Hải Thanh, sau này đổi tên thành chiến khu Trần Hưng Đạo.
Thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước năm 1945, Nguyễn Bình đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Hải Dương. Sau Hội nghị quân sự Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 quyết định chia cả nước thành 7 quân khu, Bắc bộ có 4 Quân khu (Quân khu Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo) hay còn gọi là Đệ tứ Quân khu, Nguyễn Bình đã được tiến cử làm “Thủ lĩnh” Đệ tứ Quân khu.
Nguyễn Bình trả lời: “Bác đã tín nhiệm cháu, cháu xin nhận”.
Ông nhanh chóng trở về Hải Phòng chuẩn bị đồ đạc, trước khi vào Nam, đại diện thành phố Cảng trao tặng ông khẩu súng lục hiệu Wicker để làm kỷ niệm, mong rằng khẩu súng luôn mang bên người nhắc ông nhớ tới tấm lòng của nhân dân Hải Phòng luôn nhớ về ông. Đáp lại những tình cảm thiêng liêng đó ông nói: “Bác đã giao miền Nam cho Nguyễn Bình, thành phố Cảng tặng Nguyễn Bình khẩu súng này để hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. Nguyễn Bình thề với khẩu súng này: “Nếu để Nam Bộ mất, Nguyễn Bình sẽ chết với khẩu súng này”.
Sau hội nghị, qua sự hướng dẫn của Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Bình đến xã Mỹ Hạnh gặp Tô Ký và Trần Văn Trà lúc này đang lãnh đạo liên quân Bà Điểm, Hóc Môn, Đức Hòa và đưa ra chủ trương thực hiện gấp một địa điểm để xây dựng căn cứ địa cách mạng lâm thời và tổ chức một hội nghị gồm các lực lượng vũ trang ở khắp các tỉnh Nam Bộ để đoàn kết và thống nhất tạo thành một lực lượng hùng mạnh để đối phó với giặc Pháp. Và địa điểm đó là An Phú Xã, do đích thân Nguyễn Bình lựa chọn.
Việc chọn An Phú Xã là một quyết định mang tầm chiến lược của Nguyễn Bình. Tuy An Phú Xã có nhược điểm là gần căn cứ địch, cách thành Xăng Đá, Thủ Dầu Một khoảng 200m phía bên kia sông Sài Gòn, nhưng nơi đây lại có rất nhiều thuận lợi. Địa điểm này có diện tích rất rộng, địa thế hiểm trở.
Dọc theo hai bên bờ rạch là những bụi ôrô, chuối nước dày đặc. Trên bờ kênh rạch là những hàng cây hoang dã mọc um tùm. Như thế bọn địch sẽ không thể nào tấn công bằng đường thủy, hơn nữa nơi đây nằm khá xa tỉnh lộ 8 và tỉnh lộ 15 nên chúng cũng khó có thể hành quân vào đây bằng cơ giới. Một thuận lợi nữa là An Phú Xã chỉ cách thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn khoảng 30 cây số về hướng bắc, rất thuận tiện cho việc nắm bắt tình hình của địch ở trung tâm đầu não của chúng.
Quả thật địa hình địa thế như thế là rất tốt, nhưng điều mà Nguyễn Bình tâm đắc nhất là nhân tâm. Người dân ở An Phú Xã và các xã thuộc vùng đỏ kế cận đã được thử thách trui rèn qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nên một lòng hướng về cách mạng. Lập căn cứ địa cách mạng và xây dựng tổng hành dinh nơi đây sẽ được đông đảo nhân dân đùm bọc, che chở.
Ngày 12/12/1945, Tư lệnh Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đi đôi với công tác đào tạo cán bộ quân sự, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hai khóa học đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã đào tạo cho cách mạng miền Nam hơn 100 cán bộ chiến sĩ có năng lực và chuyên môn cao. Một bộ phận trong số này được Nguyễn Bình chọn lựa và trực tiếp đưa về Sài Gòn thành lập lực lượng có tên là Ban Công tác thành. Đây chính là tiền thân của Biệt động Sài Gòn nổi tiếng sau này.
Sau chuyến xâm nhập vào nội thành Sài Gòn, Nguyễn Bình thấy các đơn vị hoạt động trong nội thành còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả chiến đấu chưa cao. Ông ra lệnh thống nhất, chấn chỉnh các đơn vị vũ trang tự lập thành một ban thống nhất để đạt tới sức mạnh cao nhất. Những cái tên như Ban Trinh sát Hùng Vương, Ban Trinh sát Quân chính, Ban Vô hình, Ban Trừ gian... được tập hợp lại với tên chung là Ban Công tác thành (chính là lực lượng Biệt động Sài Gòn sau này).
Đồng thời với việc chấn chỉnh, củng cố và thống nhất chỉ huy các ban công tác thành, tháng 3/1946 Khu trưởng Nguyễn Bình quyết định xây dựng một lực lượng chính quyền cơ sở, tổ chức theo từng địa bàn, khu vực. Đây chính là lực lượng Tự vệ thành hoạt động phối hợp chặt chẽ với Thành bộ Việt Minh Sài Gòn - Gia Định, chỉ huy trưởng là Nguyễn Xuân Diệu.
Khác với các ban công tác thành về tổ chức và hoạt động theo kiểu các đơn vị công tác vũ trang cơ động, Tự vệ thành được tổ chức theo địa bàn dân cư. Nhiệm vụ của Tự vệ thành là đưa chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân vào trong lòng địch, bước đầu xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân theo chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng.
Có thể nói việc thành lập trường quân chính và tổ chức lực lượng Biệt động thành, Tự vệ thành là quyết định rất kịp thời, mang tầm chiến lược của cách mạng miền Nam. Chính hai lực lượng này đã có những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay trong lòng địch.
Chính Nguyễn Bình đã trực tiếp chọn lựa người, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về hoạt động trong lòng địch và đích thân ông đưa họ vào nội thành Sài Gòn. Bản thân tướng Nguyễn Bình cũng rất nhiều lần “đơn thương độc mã” xâm nhập Sài Gòn, nhưng hệ thống mật thám dày đặc của Pháp không làm gì được.
Từ trái qua Đ/c Huỳnh Văn Nghệ, Đ/c Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình và Đ/c Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ. (tư liệu)
Việc làm cấp tốc đầu tiên là mở khóa học thứ 5 được mang tên Huỳnh Thúc Kháng với 200 học viên nhằm bổ túc, đào tạo các cán bộ cấp đại đội, trung đội và một phần các cán bộ cấp tiểu đội có triển vọng.
Học viên tốt nghiệp khóa Huỳnh Thúc Kháng sẽ trở về đơn vị cũ, dựa vào chương trình huấn luyện của trường để mở các lớp huấn luyện ở đơn vị, làm nhiệm vụ bổ túc, đào tạo cán bộ cấp tiểu đội, thống nhất lấy tên là Lớp quân đội 13. Đây cũng là trung đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập trên chiến trường Đông Nam Bộ.
Với những cống hiến của mình cho cách mạng, ngày 20/1/1948, trong đợt phong tướng đầu tiên cho Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong hàm Trung tướng cho Tư lệnh Khu 7 Nguyễn Bình.
Tháng 10/1948, Trung tướng Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Dương Quốc Chính làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Đăng, sau đó là Nguyễn Chánh giữ chức vụ Tham mưu trưởng.
Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Khu 7, tỉnh đội Biên Hòa được giao nhiệm vụ đánh thí điểm. Đêm 21 rạng sáng 22/3/1950, Bùi Cát Vũ, Tỉnh đội phó Biên Hòa kiêm Giám đốc công binh xưởng Chi đội 10 chỉ huy một lực lượng chia thành 50 tổ đồng loạt tấn công 50 tháp canh dọc theo các lộ 24, 26, 15 và quốc lộ 1 nhưng không có kết quả, chưa có tháp canh nào bị đánh sập.
Dù vậy, qua các trận đánh này, Bộ Tư lệnh Khu 7, đứng đầu là tướng Nguyễn Bình và Tỉnh đội Biên Hòa đã rút kinh nghiệm, bổ sung thông tin để xây dựng hoàn chỉnh cách đánh mới. Quân giới Khu 7 đã hoàn thiện loại vũ khí mới, đó là mìn lõm phá tường (gọi tắt là FT) và một loại mìn khác gọi là Pê-ta chuyên để đánh tháp canh. Hiệu lực của nó được chứng minh trong trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên do Bùi Cát Vũ và Trần Công An chỉ huy. Các chiến sĩ đã dùng mìn phá tường FT cho nổ tạo ra lỗ hổng, sau đó đưa tiếp mìn Pê-ta vào cho nổ từ bên trong. Tháp canh bị sập hoàn toàn. Đích thân trung tướng Nguyễn Bình đã chỉ đạo, quyết định cho các lực lượng nhanh chóng áp dụng cách đánh này trên toàn chiến trường miền Nam, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ra Khu 5 và cả nước.
Từ đây, cách đánh tháp canh được bộ đội ứng dụng rộng rãi trong cách đánh lô cốt, cầu cống, đồn bốt, kho tàng, hình thành một chiến thuật tiến công đặc biệt, gọi là cách đánh đặc công. Hệ thống tháp canh mạng nhện của Pháp bị phá hủy hoàn toàn.
Tháng 10/1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định mở chiến dịch Bến Cát nhằm cắt đứt, giải phóng đường số 7 và phần lớn đường liên tỉnh 14 để mở rộng căn cứ địa, mở rộng hành lang tiếp vận từ Đồng bằng Sông Cửu Long và Sài Gòn lên vùng căn cứ miền Đông, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thúc đẩy phong trào đấu tranh du kích.
Bộ chỉ huy chiến dịch gồm đồng chí Tô Ký - Chỉ huy trưởng; Lê Đức Anh - Tham mưu trưởng và Nguyễn Duy Hanh - Chính trị viên. Chiến dịch diễn ra từ ngày 7/10 đến ngày 15/11/1950 trên khu vực mặt trận chính bao gồm đường số 7, liên tỉnh lộ 14 và các mặt trận phụ, mặt trận phối hợp dọc quốc lộ 13.
Quân ta đã tiêu diệt 509 tên địch, bắt 120 tên, đánh sập hàng chục tháp canh, đồn bốt, cầu cống, phá hủy 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 tàu thuyền, thu nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm. Đây là chiến dịch đầu tiên và duy nhất được tiến hành ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1951, ông được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ, trên đường thi hành nhiệm vụ Trung tướng Nguyễn bình bị phục kích và hi sinh ngày 2/9/1951 tại tỉnh Ráp-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia). Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, đội công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa về nước hài cốt Trung trướng Nguyễn Bình ngày 29/9/2000. Lễ truy điệu và mai táng hài cốt liệt sĩ - Trung tướng Nguyễn Bình được tổ chức trọng thể tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Ông được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.