Cựu binh, Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ năm nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, sinh năm 1939 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và nhớ tường tận từng trận đánh năm xưa. Gần 15 năm trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia khoảng 50 trận đánh lớn nhỏ và đã đánh là thắng, chưa một lần thất bại. Có những trận đánh khó, nhưng được trên tin tưởng giao phó, ông đã không phụ lòng cấp trên. “Bí quyết” lập nên những chiến công theo ông cũng học hỏi cách làm của người xưa “biết địch biết ta luôn giành thế chủ động”. Vì vậy, mỗi khi được trên giao tổ chức trận đánh, thì việc đầu tiên là phải làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường; phải tổ chức trinh sát, nắm chắc tình hình bố phòng của địch, từ đó mới lên phương án tác chiến sát với thực tế.
Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ
Nhớ lại những ngày xuân thời chiến, người lính đặc công ngày nào Ngô Xuân Đệ cho biết đó là “cơ hội vàng” để nắm chắc địa hình, thâm nhập sào huyệt địch. Bởi vì thời điểm này kẻ thù thường chủ quan, lơ là trong phòng bị. Trận đầu tiên đơn vị ông được giao đảm nhận là đánh vào Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên (Xuân 1968). Kế hoạch ban đầu dự kiến diễn ra vào tối 30 rạng sáng ngày mồng 1 tết, nhưng do chưa thông thuộc địa hình nên khi tiếp cận mục tiêu thì trời đã sáng. Cả đội đành quay về căn cứ và chuẩn bị kế hoạch đánh địch vào ngày hôm sau. Không mắc một sai sót nào, đội của ông đã hành động đúng như dự định và đến 9 giờ ngày mồng 2 tết, mục tiêu hoàn toàn được chiếm lĩnh. Trong trận này đồng đội của ông có một người hy sinh. Sau khi chiếm Dinh Tỉnh trưởng, đơn vị tiếp tục ở lại thành phố trong thời gian 11 ngày, sau đó mới rút ra hoạt động ở địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng…Sau trận đánh vào Dinh Tỉnh trưởng, đơn vị ông tiếp tục làm cho chính quyền ngụy thêm một phen điên đảo khi tổ chức đánh vào Trường Chiến tranh Chính trị - nơi đào tạo sĩ quan cao cấp về Tâm lý chiến của địch.
Đây là khu vực được canh phòng rất cẩn mật, với 6 - 7 lớp hàng rào và đèn pha. Sau thời gian trực tiếp trinh sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, trận đánh đã thành công vang dội, tiêu diệt được trên 500 tên địch. Một trận đánh khác cũng gây được tiếng vang không kém, đó là trận tập kích vào sân bay Cam Ly (Đà Lạt) vào đêm 30 tháng 3 năm 1969. Để đảm bảo chắc thắng, ông Ngô Xuân Đệ đã trực tiếp chỉ huy một tổ tiến hành trinh sát mục tiêu, không chỉ một lần mà trinh sát đến hai lần. Mặc dù địch bố phòng rất kiên cố, nhưng các ông đã phải luồn qua 24 lớp hàng rào kẽm gai để mục thị tận nơi các mục tiêu, kể cả mục tiêu chủ yếu là kho xăng lớn của địch. Sau khi đã chuẩn bị xong, dưới sự chỉ huy của ông, Đại đội 5 Đặc công và Đại đội Bộ binh 1/ Tiểu đoàn 810 tập kích sân bay Cam Ly. Trận đánh diễn ra khoảng hơn 30 phút đã tiêu diệt hơn 30 tên địch, phá hủy 3 máy bay, hàng chục xe quân sự, làm cháy kho xăng khoảng 2 triệu lít và làm nổ kho đạn lớn kéo dài từ đêm 30 đến đêm 31 tháng 3. Đây là trận đánh được trên đánh giá là đạt hiệu suất chiến đấu cao và gây tiếng vang lớn ở chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức lúc bấy giờ.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1972 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Đây là một vinh dự quá lớn lao. Tôi tự hứa với mình, phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng”. Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ nói và ông rất tự hào vì điều đó. Giờ đây người Anh hùng ấy vẫn âm thầm lặng lẽ đóng góp công sức của mình trên vùng quê mới, ông trở thành tấm gương CCB mẫu mực trong tất cả các phong trào của huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng.
THẾ ANH