Vận hành Ga T3 Tân Sơn Nhất
Nhà ga T3 trước ngày hoạt động - Ảnh: Báo Công lý.
Dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và sẽ chính thức khánh thành vào dịp 30/4. Với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, đây sẽ là nhà ga nội địa lớn nhất cả nước, công suất phục vụ lên đến 20 triệu hành khách mỗi năm, góp phần nâng tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.
Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công từ cuối năm 2022. Hiện trên công trường có khoảng 3.300 công nhân và kỹ sư làm việc ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Ga T3 sẽ khai thác thử nghiệm từ ngày 24/4 và chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/5, phục vụ các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa
Dự án đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Song song với nhà ga, tuyến đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng cũng đang gấp rút hoàn thiện. Tuyến đường dài hơn 4km, rộng từ 25m đến 48m, gồm 6 làn xe, cùng hai nhánh đường 18E và C2 được mở rộng.
Hiện đoạn từ hầm chui Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Cầu vượt trước nhà ga T3 cũng đã xong, sẵn sàng kết nối trực tiếp vào nhà ga. Phần còn lại từ Hoàng Hoa Thám đến Trường Chinh đang thi công nước rút và dự kiến thông xe trước ngày 20/4.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo trục giao thông mới, giảm tải cho cửa ngõ phía Bắc sân bay – vốn đang là điểm nóng ùn tắc của TP.HCM trong nhiều năm qua.
Khởi công Rạch Xuyên Tâm
Phối cảnh dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành. Ảnh: Ban hạ tầng đô thị TPHCM.
Một trong những dự án trọng điểm khác sẽ được khởi công dịp 30/4 là cải tạo rạch Xuyên Tâm – tuyến rạch ô nhiễm nặng kéo dài gần 9km qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 17.200 tỉ đồng, trong đó khoảng 14.000 tỉ đồng dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, liên quan đến hơn 2.200 hộ dân. Công trình sẽ nạo vét sâu 3,5m, mở rộng lòng rạch từ 20 – 30m, xây dựng hệ thống thu gom nước thải và đường ven hai bên rộng 6m, kèm vỉa hè, cây xanh, công viên.
Gói thầu XL-03 (qua Gò Vấp và phường 13 Bình Thạnh) sẽ khởi công trước 30/4. Các gói còn lại dự kiến triển khai trước ngày 2/9. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành năm 2028, kỳ vọng giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ô nhiễm và cải thiện cảnh quan đô thị khu vực.
Khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Dự án quy mô nhất trong đợt này là khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng (gần 9 tỉ USD), quy mô dân số 230.000 người, đón khoảng 8-9 triệu lượt khách mỗi năm.
Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), quy hoạch trên diện tích 2.870 ha, chia thành 4 phân khu chức năng gồm A, B, C và D-E. Dự án định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái thông minh, tích hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ công nghệ cao và các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, giải trí ven biển.
TP.HCM vừa phê duyệt hạng mục lấn biển 1.357 ha với tổng vốn 64.425 tỉ đồng. Công trình sẽ được khởi công vào ngày 19/4 tới, dự kiến hoàn thành vào năm 2031. Đây được xem là dự án biểu tượng về tầm nhìn và năng lực triển khai của TP.HCM trong phát triển đô thị biển và mở rộng không gian đô thị về phía Nam.
Với việc đồng loạt khởi công và khánh thành các dự án mang tính chiến lược này, TP.HCM đang tạo ra bước ngoặt lớn trong phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị và mở rộng không gian phát triển kinh tế – xã hội.
Bảo Minh