Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy chất độc da cam /dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể.
Nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Trưng bày các chứng tích chiến tranh tại bảo tàng gồm 4 khu vực. Đây là những bằng chứng đanh thép không thể chối cãi qua các tư liệu, hình ảnh thật của các phóng viên nước ngoài tác nghiệp nói lên sự dã man cực độ của quân đội xâm lược Mỹ trong việc sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam và hậu quả, nỗi đau của các thế hệ lây nhiễm chất độc da cam đối với dân tộc Việt Nam ta, đồng thời cũng khắc họa rất rõ nét sự vượt khó vươn lên trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thật sự xúc động khi tham quan các hình ảnh tư liệu chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam của nhà nhiếp ảnh Nhật bản Goro Nakamura là nhà nhiếp ảnh tự do. Ông sang Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1970. Xúc động trước thảm cảnh do chiến tranh gây ra, ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần để ghi lại hậu quả của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh. Lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên đã làm cho chúng tôi vô cùng xúc động qua các tấm hình chụp của ông, năm 1976 với bức hình chụp 1 cánh rừng ngập mặn bị chất độc hóa học phá hủy ở Cà Mau, giữa xơ xác, mênh mông những gốc cây trụi lá của khu rừng ngập mặn là một cậu bé chừng năm, sáu tuổi đứng trong cảnh hoang tàn đó, 20 năm sau ông gặp lại cậu bé này khi đó cậu đã là một thanh niên tàn tật do nhiễm chất độc khi ở khu rừng đó trước đây và niềm xúc động đến trào dâng khi chúng tôi được xem tiếp bức ảnh thứ ba sau 40 năm nhà nhiếp ảnh này trở lại Việt Nam trong ảnh là người cha (đứa bé năm 1976 ở khu rừng Cà Mau), cùng 2 người con đều tàn tật do lây truyền chất độc da cam/dioxin của thế hệ thứ hai trong gia đình anh.
Ở tầng 2 của Bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về sự vượt khó vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với rất nhiều những hình ảnh, tư liệu xúc động của các phóng viên ảnh nước ngoài và Việt Nam phản ánh những nạn nhân chất độc da cam tàn nhưng không phế vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống trở thành những con người có ích đóng góp cho xã hội. Đặc biệt ở đây còn có hình ảnh và bức thư của nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Hoan ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận gởi Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 nói với tổng thống Mỹ về vấn đề chất độc da cam và cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam là một vấn đề cấp bách mà Tổng thống Mỹ cũng nên xem xét vì vấn đề này liên quan đến tính mạng con người và tương lai của toàn thế giới trong tương lai…rất xúc động và cảnh tỉnh lương tâm mọi người trên toàn thế giới đấu tranh không để xảy ra thảm họa này.
Tôi ấn tượng nhất là khu vực những nạn nhân chất độc da cam tự tay làm những đồ lưu niệm bán cho khách hàng, có nạn nhân mù chơi đàn phục vụ khách. Mọi người chúng tôi, mỗi người mua một vài món ủng hộ và lặng lẽ bỏ một ít tiền vào thùng từ thiện, tuy không lớn nhưng cũng cảm thấy thanh thản vì đã đóng góp chút ít cho hàng vạn, hàng chục vạn những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên mọi miền đất nước ta đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng những nỗi đau do chiến tranh gây ra.
Kết thúc bài viết này, xin trích lời của đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Cu Ba trong bút tích của đoàn khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh năm 2012: “Loài người sẽ không bao giờ quên tội ác này. Chúc Nhân dân Việt Nam nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và luôn xứng đáng là tấm gương Việt Nam”.