Cần Giờ là huyện đảo duy nhất của TP.HCM
Thông tin được nêu trong Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Đây là tuyến đường sắt đô thị "tiềm năng" kết nối từ khu nội thành đến Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, giúp phát triển giao thông, du lịch trên địa bàn.
Tuyến metro này dài khoảng 48,7 km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), theo đường Nguyễn Lương Bằng, vượt sông tới đường Rừng Sác xuống Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Tuyến dự kiến liên kết với Metro số 4 (depot Nhị Bình, Hóc Môn - Khu đô thị Hiệp Phước, Nhà Bè).
Dự án được nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2031-2050, trong đó giai đoạn đầu có thể xem xét sử dụng loại hình buýt nhanh trước khi đầu tư tàu điện.
Dù có nhiều tiềm năng nhưng đến nay Cần Giờ vẫn chưa chuyển mình như kỳ vọng
Tại hội nghị công bố Quy hoạch TP HCM ngày 5/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, điểm nghẽn, thách thức lớn của TP.HCM là thành phố đông dân nhưng đất chật người đông. Do vậy quy hoạch TP.HCM phải định hướng mở rộng không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị - metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên cao và nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân. Thời gian tới, thành phố dự kiến tiếp tục khai thác không gian ngầm.
Đặc biệt, Thủ tướng cho biết đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.
“Tôi có trao đổi anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa”, Thủ tướng nói.
Nếu dự án này được sớm triển khai, sẽ là tin vui đặc biệt cho người dân huyện đảo Cần Giờ. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển bùng nổ cho vùng đất này.
Hạ tầng giao thông kết nối Cần Giờ với trung tâm TP.HCM hiện còn là "điểm nghẽn"
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, Cần Giờ là huyện đảo duy nhất của TP.HCM. Vùng đất này nổi tiếng bởi đây là huyện duy nhất của thành phố giáp biển, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn… Nhiều người lựa chọn Cần Giờ như một điểm đến vui chơi trong các dịp cuối tuần, ngày lễ.
Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 của Thành ủy TP.HCM, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Tuy nhiên, Cần Giờ đến nay vẫn là “vùng trũng” về phát triển kinh tế so với các địa phương khác của TP.HCM. Một trong những “điểm nghẽn” là do kết nối hạ tầng giao thông giữa khu vực trung tâm với huyện đảo khó khăn.
Cùng với cầu Cần Giờ, nếu tuyến metro nối trung tâm thành phố được xây dựng sẽ giúp vùng đất này phát triển mạnh
Hiện nay, để di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ vẫn phụ thuộc vào phà Bình Khánh đã quá tải. Trong khi đó, TP.HCM đang nỗ lực để sớm triển khai xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh.
Dự án cầu Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài 3,4km và mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Sở đang nghiên cứu hình thức PPP hoặc phương thức đầu tư công.
Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ có quy mô từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55m, sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Một góc siêu đô thị lấn biển Cần Giờ
Ngoài các dự án hạ tầng kết nối giao thông, hiện nay ở Cần Giờ có hai siêu dự án đang nhận được nhiều sự quan tâm. Trong đó, có dự án siêu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2007 với diện tích 400ha là đất xây dựng và 200ha là bãi biển nội bộ, do Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Năm 2018, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).
Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600ha lên 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.
Siêu dự án đô thị lấn biển kỳ vọng giúp bất động sản Cần Giờ bùng nổ trong thời gian tới
Một dự án khủng khác là Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Siêu cảng với tổng mức đầu tư lên tới 5,5 tỉ USD (tương đương gần 130.000 tỉ đồng), sẽ là cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Về quy mô triển khai, tổng diện tích bến cảng khoảng 571ha, diện tích mặt nước khoảng 477,63ha với công suất khoảng 16,9 triệu TEUs. Trong đó, tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 tấn.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang được nghiên cứu đầu tư
Dự án được đề xuất xây dựng tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Khu vực này thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao, cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu rộng khoảng 1 km2.
Dự án thực hiện phân kỳ theo 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.
Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hoàn thành sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển cũng như giao thông địa phương.
Phong Vân