Hình minh họa
Dự án “làm đẹp” rạch Xuyên Tâm tăng vốn hơn 7.300 tỷ đồng, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng báo cáo Quốc hội
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Theo đó, dự án có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra sáng 27/9 đã thống nhất thông qua tờ trình quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm (dự án Rạch Xuyên Tâm).
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án Rạch Xuyên Tâm sẽ tăng từ 9.600 tỉ đồng lên hơn 17.000 tỉ đồng. Ngoài việc điều chỉnh mức đầu tư về vốn, dự án vẫn giữ nguyên quy mô, các hạng mục và những nội dung khác.
Lý do tăng mức đầu tư bởi vì dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo Luật đất đai mới là gần 14.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.300 tỉ so với dự toán trước đây. Phần vốn tăng thêm là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tăng hơn 2.400 tỉ đồng.
HĐND TP.HCM cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nạo vét, kiên cố hóa bờ bao rạch Đá Hàn (từ cầu sắt đến quốc lộ 1A), quận 12 với 700 tỉ đồng và dự án nạo vét, kiên cố hóa bờ bao rạch Láng Le, quận 12 với 129,7 tỉ đồng.
Ai sẽ là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội gần 1.800 tỷ đồng ở khu vực vừa lên thành phố trực thuộc Trung ương?
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất mời gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở xã hội, phường Hương Sơ, thành phố Huế.
Dự án được thực hiện trên khu đất gồm 2 phần có tổng diện tích khoảng 40.351 m2. Trong đó, khu đất nhà ở xã hội ký hiệu NOXH1 có diện tích khoảng 19.118 m2; khu đất nhà ở xã hội ký hiệu NOXH2 có diện tích khoảng 21.233 m2. Cơ cấu sản phẩm nhà ở bao gồm khoảng 1.581 căn hộ chung cư, đáp ứng quy mô dân số 3.953 người. Tổng vốn đầu tư Dự án là 1.771,796 tỷ đồng.
Dự án có thời hạn hoạt động trong 50 năm. Tiến độ thực hiện Dự án không quá 42 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.
Trong thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận và mời gọi nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án đô thị trên địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thuộc Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn.
Dự án được triển khai trên diện tích gần 56,7ha, gồm khoảng 1.000 căn nhà ở liền kề và biệt thự. Ngoài ra, dự án còn bao gồm khoảng 118.000m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu mua sắm, giải trí cho cộng đồng cư dân.
Những nút thắt cần tháo gỡ cho thị trường bất động sản
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nút thắt đầu tiên là vấn đề tính tiền sử dụng đất. Trong đó, nhiều địa phương chưa công bố bảng giá đất, một số địa phương khác vừa công bố bảng giá đất đều nhận về phản hồi chưa tích cực vì quá cao, gây khó khăn cho chủ đầu tư khi thực hiện dự án, khiến dự án bị đội chi phí. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đẩy giá bán Bất động sản lên cao.
Đưa ra giải pháp cho tình trạng này, ông Thanh cho rằng, cần nghiên cứu, xác định công cụ đo lường “giá bán” để đảm bảo có căn cứ đủ chuẩn xác định bảng giá đất. Khuyến khích giao dịch qua sàn để đảm bảo tính công khai, minh bạch của giá giao dịch Bất động sản.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường Bất động sản với dữ liệu đủ lơn, có tính cập nhật và chính xác cao để lấy dữ liệu phục vụ xác định bảng giá đất được hợp lý.
Nút thắt thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, những dự án quy mô lớn, Nhà nước thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, còn những dự án quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận để giái phóng mặt bằng.
Hé lộ thời điểm khởi công tuyến cao tốc hơn 25.500 tỷ đồng do Vingroup – Techcombank nghiên cứu ở Tây Nguyên
Ngày 6/1, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025.
Trong đó, có nội dung liên quan đến tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Cụ thể, trong tháng 2/2025 sẽ trình, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Tiếp theo, sẽ thực hiện công tác lựa chọn Nhà đầu tư, thực hiện bước thiết kế kĩ thuật. Dự kiến tháng 9/2025 sẽ khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, cơ bản hoàn thành cuối năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.
Hoàng An