Cụ thể, từ đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã phát hành hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, liên quan đến tổng số nợ hơn 80.512 tỷ đồng. Kết quả, ngành thuế đã thu hồi khoảng 4.289 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần so với số liệu công bố giữa năm. Tạm hoãn xuất cảnh đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc xử lý các trường hợp chây ỳ, cố tình tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Đó là chưa kể những người nộp thuế biết việc triển khai tạm hoãn xuất cảnh đã chủ động đến nộp thuế tiền nợ thuế từ nhiều năm trước để gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, các thủ trưởng cơ quan thuế và hải quan được quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân hoặc đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Trước khi áp dụng, cơ quan thuế thường thực hiện các biện pháp như nhắc nhở, gửi thông báo và quyết định cưỡng chế. Chỉ khi những biện pháp này không đạt hiệu quả, tạm hoãn xuất cảnh mới được thực hiện để đảm bảo thu hồi nợ thuế.
Song song với tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế còn áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như kê biên tài sản, thu qua hóa đơn và công khai thông tin vi phạm. Những nỗ lực này đã giúp cơ quan thuế thu hồi tổng cộng 61.227 tỷ đồng nợ thuế trong năm nay, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi trên tổng thu ngân sách cũng được kiểm soát ở mức 7,8%, trong giới hạn mà Chính phủ giao.
Được biết mới đây, tại dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính đã đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế lên 50 triệu đồng quá hạn 120 ngày. Mức này được đánh giá là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Phương Vũ