Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với làn dừng khẩn cấp. Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Tây Ninh dài khoảng 26,3 km, đi qua ba địa phương gồm thị xã Trảng Bàng (11,3 km), huyện Gò Dầu (12,6 km) và huyện Bến Cầu (2,4 km). Tỉnh Tây Ninh là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án thành phần 4, liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh, tính đến nay, tỉnh đã gửi thông báo thu hồi đất đến 1.786 hộ dân và tổ chức, liên quan đến hơn 3.000 thửa đất. Công tác điều tra, kiểm đếm đã hoàn thành với 2.626 thửa, các thửa còn lại đang được tiếp tục thực hiện. Diện tích đất thu hồi thực tế sau rà soát đã tăng từ 227 ha lên gần 251 ha, trong đó thị xã Trảng Bàng tăng hơn 26 ha, huyện Gò Dầu tăng gần 9 ha, trong khi huyện Bến Cầu giảm khoảng 11,5 ha.
Công tác đo đạc đã hoàn tất, được nghiệm thu và bàn giao cho các địa phương triển khai các bước tiếp theo. Hồ sơ nghiên cứu khả thi dự án thành phần 4 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 13/3/2025. Việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường cũng đang được các địa phương gấp rút thực hiện. Huyện Gò Dầu đã trình hồ sơ, đang chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng thẩm định giá đất; huyện Bến Cầu đã hoàn tất hồ sơ và thông báo giá đất vào đầu tháng 2/2025; trong khi thị xã Trảng Bàng đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình phê duyệt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn, như vướng mắc tại nút giao giữa Quốc lộ 22 và cao tốc (thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Cầu). UBND tỉnh Tây Ninh đang xem xét phương án xử lý phù hợp. Ngoài ra, việc trùng lặp hành lang giữa cao tốc và tuyến đường điện 500kV Đức Hòa – Chơn Thành tại Trảng Bàng cũng được thống nhất xử lý bằng phương án di dời trụ điện T95 đến vị trí mới, kinh phí sử dụng từ nguồn bồi thường của dự án đường điện.
Bên cạnh dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Tây Ninh cũng đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như: nâng cấp tuyến đường kết nối cửa khẩu quốc tế Tân Nam, chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám, xây dựng đường Trường Chinh và mở rộng tuyến đường Bời Lời. Các dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2025 – 2026, nhằm tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Với sự quyết tâm của chính quyền và các đơn vị liên quan, công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để khởi công dự án theo đúng kế hoạch, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng và tăng cường kết nối giữa TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và khu vực biên giới Tây Ninh.
Phong Vân