Ủng hộ về đường lối, chủ trương, quan điểm chính trị, quân sự, ngoại giao
Những năm 1930-1935, khi thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, nhiều cán bộ, đảng viên ở Nam kỳ phải lánh sang Campuchia. Campuchia trở thành nơi các chiến sĩ cộng sản người Việt vừa hoạt động vừa chuẩn bị những điều kiện để quay về nước; đồng thời gây ảnh hưởng và hướng Việt kiều cùng một số bộ phận Nhân dân Campuchia vào con đường đấu tranh cách mạng (đến năm 1934, đã xây dựng được 5 chi bộ ở Phnôm Pênh và Kan Dan với 30 đảng viên).
Những năm 1936-1939, hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội ở Việt Nam, các “Ủy ban hành động Campuchia” ở Campuchia được thành lập. Báo chí tiến bộ của Mặt trận dân chủ Đông Dương và Mặt trận bình dân Pháp được phát hành rộng rãi. Đông đảo giới trí thức, học sinh, viên chức và Nhân dân lao động ở Phnôm Pênh tích cực hưởng ứng.
Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, những cán bộ, đảng viên Việt Nam còn lại phải tạm lánh sang Campuchia. Đất bạn tiếp tục trở thành hậu cứ an toàn bao bọc cho những người cộng sản Việt Nam hoạt động.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Khối Liên minh Nhân dân Việt-Lào-Campuchia được thành lập ngày 11-3-1951, trên cơ sở ba mặt trận liên Việt (Việt Nam) – Khmer Issarak và Lào Itxara với tuyên bố chung trong đó có nội dung: Đứng trước kẻ thù chung, liên minh Việt-Lào-Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục đích tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ, trừng trị bọn bù nhìn phản quốc, giành độc lập thực sự cho ba dân tộc, góp sức vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới. Đây là một thắng lợi to lớn đối với nhân dân ba nước nói chung, với cuộc kháng chiến của Nhân dân Campuchia nói riêng. Từ đây, Nhân dân Campuchia càng tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc mình và của Nhân dân ba nước Đông Dương, cùng bước vào giai đoạn mới: Nhân dân Campuchia tích cực kháng chiến chống Pháp; Việt kiều ở Campuchia cũng tham gia kháng chiến về mọi mặt; người Khmer ở Việt Nam tích cực tham gia kháng chiến trên đất nước Việt Nam. Nhân dân ba nước đã tương trợ nhau với lòng thủy chung son sắt, chân thành, luôn trao đổi kinh nghiệm đấu tranh và hỗ trợ lẫn nhau chống kẻ thù chung.
Từ cuối năm 1951 đến cuối năm 1952, phong trào chiến tranh du kích ở Campuchia phát triển mạnh. Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954 lực lượng bộ đội Issarak đã trưởng thành về nhiều mặt, các đơn vị đã liên tiếp đánh địch mở rộng dần khu giải phóng và khu du kích. Tiếp đó là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1954 của lực lượng cách mạng 3 nước Đông Dương buộc thực dân Pháp phải chấp nhận họp Hội nghị Genève bàn về hòa bình của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Từ cuối năm 1954, Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam, tháng 5-1955, Quốc trưởng Sihanouk tuyên bố chống sự can thiệp của Mỹ. Ở Campuchia các tổ chức Việt kiều đẩy mạnh tuyên truyền chống Mỹ-Ngô Đình Diệm và ủng hộ Thái tử Norodom Sihanouk. Ngày 01-1-1956, Tòa đại diện thương mại Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Phnôm Pênh được nâng lên thành Tòa đại diện ngoại giao. Năm 1957, Vương quốc Campuchia cho phép Việt Nam đặt cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Phnôm Pênh. Ngày 19-1-1958, Vương quốc Campuchia ký Hiệp định thương mại và thanh toán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo điều kiện phát huy uy thế chính trị của miền Bắc Việt Nam, hậu phương lớn của cách mạng ba nước Đông Dương. Cuối năm 1963 (sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ), Chính phủ Hoàng gia Campuchia tuyên bố công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là tổ chức đại diện chân chính duy nhất của Nhân dân miền Nam. Đầu năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Norodom Sihanouk đã gửi điện đến Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công khai lên án hành động xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam và ủng hộ Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Từ ngày 1-3 đến 9-3-1965, theo sáng kiến của Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, Hội nghị cấp cao Nhân dân ba nước Đông Dương lần thứ nhất được tổ chức nhằm tăng cường sự đoàn kết của Nhân dân ba nước trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Sau hội nghị này, mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu ngày càng được tăng cường. Hai bên ủng hộ và công nhận lẫn nhau.
Ngày 11-4-1966, Norodom Sihanouk tuyên bố công nhận Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Phnôm Pênh có đầy đủ quyền hành ngang hàng với các nước. Ngày 24-6-1967, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó ít ngày, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thiết lập cơ quan đại diện thường trực tại Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Ngày 11-6-1969, Chính phủ Campuchia đã chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Campuchia đứng hẳn về phía Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam.
Ngày 25-4-1970, tại Hà Nội, Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương được tổ chức. Hội nghị đã ra bản tuyên bố chung liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Nhân dân Campuchia tiếp tục sát cánh bên Nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc kháng chiến chính nghĩa vô cùng gian khổ nhưng rất vẻ vang. Từ tháng 4 đến tháng 6-1970, lực lượng Quân giải phóng miền Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” của 10 vạn quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, quân đội Lon Nol có không quân, thiết giáp, pháo binh yểm trợ. Sau 2 tháng chiến đấu đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, đánh thiệt hại nặng 20 tiểu đoàn (trong đó có 5 tiểu đoàn bộ binh Mỹ), phá hủy 2000 xe quân sự, buộc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân “tìm diệt”, rút quân ra khỏi Campuchia (tháng 6-1970). Tháng 1-1971, quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân “Toàn thắng NB-1971” tiến công vào các tỉnh Đông Bắc Campuchia, cuộc hành quân đã bị các đơn vị vũ trang Quân giải phóng miền Nam, các đơn vị vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại, gây thiệt hại nặng cho 2 chiến đoàn. Tiếp đó, tháng 8-1971, các đơn vị vũ trang giải phóng miền Nam phối hợp cùng lực lượng cách mạng Campuchia đánh bại cuộc hành quân Chenla II của 50 tiểu đoàn quân Lon Nol tại mặt trận phía Đông Campuchia... Sau khi đánh thắng các cuộc hành quân lớn của địch, quân và dân Campuchia dồn dập tiến công địch trên các trục lộ giao thông, chặn đường vận chuyển quân sự và mở chiến dịch vây hãm thủ đô Phnôm Pênh. Phối hợp với cách mạng Việt Nam, đầu tháng 3-1975, lực lượng quân giải phóng Campuchia thực hiện cuộc tổng tiến công. Đến ngày 17-4-1975, quân giải phóng Campuchia làm chủ hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh, giải phóng hoàn toàn Campuchia.
Ở Việt Nam, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi hoàn toàn, mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam: Dân tộc Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do; Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng thực hiện mục tiêu tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau năm 1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary thực hiện chính sách diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ và gây chiến tranh xâm lược Việt Nam. Điều này gây sự phẫn nộ trong nhiều tầng lớp Nhân dân Campuchia. Phong trào đấu tranh của Nhân dân Campuchia trực diện chống lại chính sách diệt chủng ngày càng phát triển trên phạm vi cả nước. Ngoài những cuộc nổi dậy của Nhân dân, còn xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh chống lệnh đi đánh Việt Nam của sĩ quan và binh lính trong quân đội Khmer đỏ, nhất là ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên ly khai khỏi đảng của Pol Pot. Một số người đã vượt qua vòng vây của kẻ thù để liên hệ với cách mạng Việt Nam. Những cuộc đấu tranh của Nhân dân Campuchia chứng tỏ rằng, ngay từ khi Pol Pot lộ mặt phản bội, Nhân dân Campuchia từ dân thường cho đến lực lượng vũ trang đã vùng lên chống lại chúng. Những cuộc đấu tranh ấy buộc tập đoàn cầm quyền phản động Pol pot-Ieng Sary phải lúng túng đối phó, không thể dồn toàn lực vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhờ vậy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đã chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng do tập toàn Pol Pot-Ieng Sary - một chế độ diệt chủng loài người được đánh giá dã man nhất trong lịch sử thế kỷ XX; mở ra một kỷ nguyên hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp.
Tạo tuyến hành lang vận chuyển và huy động tiềm lực kháng chiến cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ cách mạng Việt Nam
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), lực lượng cách mạng và Nhân dân Campuchia đã tạo điều kiện cho Việt kiều tại Campuchia xây dựng lực lượng, trang bị vũ khí tổ chức thành các đơn vị vũ trang về Việt Nam kháng chiến như: Chi đội Hải ngoại 1 (Bộ đội Độc lập), Chi đội Hải ngoại 2 (Bộ đội Quang Trung), Chi đội Hải ngoại 4 (Bộ đội Trần Phú)… Những ngày đầu cuộc kháng chiến, trong điều kiện trang bị vũ khí thiếu thốn, lực lượng cách mạng và Nhân dân Campuchia đã giúp các đơn vị vũ trang Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất quân giới để các đơn vị vũ trang chủ động chế tạo vũ khí đánh Pháp, tìm nguồn mua sắm vũ khí tại Campuchia và tạo ra đường liên lạc và tiếp tế từ Thái Lan về Nam bộ bằng đường bộ, đường biển, hoàn toàn nằm trong vùng giải phóng của chính quyền cách mạng Khmer.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), từ năm 1954 đến ngày Đồng Khởi 1960, toàn bộ Xứ ủy Nam bộ, các cơ quan Xứ ủy và một số tỉnh thành (cả Sài Gòn) đóng cơ quan trên biên giới (thuộc lãnh thổ Campuchia), được Việt kiều ở Campuchia chăm sóc bảo vệ tận tình chu đáo. Toàn bộ Xứ ủy và các cơ quan ban ngành của Xứ ủy đã được an toàn trở về miền Nam tổ chức lãnh đạo “Đồng Khởi” và giành thắng lợi to lớn. Ban Cán sự Đảng bộ Việt kiều cùng các ban ngành của Xứ ủy Nam bộ đã tổ chức đường dây liên lạc để mối quan hệ giữa cách mạng miền Nam với Campuchia, Việt kiều Campuchia và Trung ương Đảng (ở Hà Nội) được chặt chẽ.
Việc vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam bằng đường sắt liên vận gặp trắc trở, Chính phủ cách mạng và Nhân dân Campuchia đã giúp Việt Nam tổ chức vận chuyển quá cảnh qua cảng Sihanoukville và quá cảnh bằng đường hàng không qua nước bạn. Theo số liệu thống kê: từ năm 1966 - 1968, chiến trường miền Nam nhận được: 20.478 tấn vũ khí, 1.284 tấn quân trang, 731 tấn quân y, 65.810 tấn gạo và 5.000 tấn muối thông qua cảng Sihanoukville. Trong việc trực tiếp đưa hàng viện trợ của Liên Xô vào cảng Sihanoukville, Quốc vương Sihanouk có vai trò quan trọng. Về đường hàng không, hình thức vận chuyển phổ biến và công khai là tuyến hàng không dân dụng của Campuchia (Air Cambodia). Đây là tuyến bay đi từ Phnọm Pênh – Quảng Châu – Hà Nội. Hàng trăm chuyến bay, vận chuyển hàng nghìn tấn tài liệu, khí tài quan trọng như máy móc, điện đài, dollar chi viện cho miền Nam thông qua con đường này.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường càn quét, bình định, đánh phá căn cứ và lực lượng cách mạng miền Nam. Nhân dân và lực lượng cách mạng Campuchia đã tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não và lực lượng chủ lực của cách mạng miền Nam sang biên giới phía đất Campuchia để đứng chân; đồng thời phối hợp chiến đấu chặn đánh các cuộc hành quân của Mỹ, quân đội Lon Nol, quân đội Sài Gòn trên địa bàn hai bên biên giới, bảo vệ an toàn khu vực căn cứ của lực lượng cách mạng Việt Nam, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam củng cố, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. “Thành quả này nếu không có Việt kiều Campuchia toàn tâm toàn ý chăm sóc, bảo vệ thì chưa biết cách mạng miền Nam sẽ gặp khó khăn dường nào”. Đây là sự giúp đỡ khách quan theo truyền thống tự nhiên và có ý nghĩa to lớn của Campuchia đối với Việt Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam, thời gian đầu làm nhiệm vụ quốc tế, lương thực thực phẩm và vũ khí trang bị kỹ thuật chủ yếu được vận chuyển từ Việt Nam sang. Sau một thời gian, được sự hỗ trợ của Nhân dân và lực lượng cách mạng Campuchia, ta đã mua được trực tiếp tại Campuchia 96.544 tấn lương thực 7.802 tấn thực phẩm (theo tài liệu tổng kết chiến tranh biên giới Tây Nam năm 2005), phục vụ cho Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Bên cạnh việc giúp đỡ trong việc huy động tiềm lực, Nhân dân Campuchia còn đặc biệt tham gia phục vụ chiến đấu, tiếp tế lương thực, tải thương, tải đạn. Theo thông kê chưa đầy đủ, từ năm 1979 đến 1989, Nhân dân Campuchia đã có 6.543.712 lượt người phục vụ chiến đấu, vận chuyển 25.781 chuyến bằng xe bò, ngựa.
Giúp đỡ trong giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới và thực hiện công tác chính sách
Sau Hiệp định Paris về Campuchia (23-10-1991), mối quan hệ Việt Nam-Campuchia có bước phát triển mới, hai bên thường xuyên trao đổi, ủng hộ, giúp đỡ nhau trên nhiều mặt kinh tế-xã hội. Chính phủ và Nhân dân Campuchia tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trên các mặt kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong phối hợp tổ chức lực lượng tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia.
Trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, hai bên đã xây dựng quy chế biên giới, chủ động phối hợp tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực biên giới. Từ năm 2000, hai bên đã thực hiện thường xuyên quy chế giao ban gặp gỡ luân phiên đối với địa phương giáp biên giới, trao đổi tình hình giải quyết các vấn đề liên quan; củng cố mối quan hệ láng giềng, tạo niềm tin cho nhau; góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị.
Trong công tác chính sách, đặc biệt là việc quy tập mộ liệt sĩ, Chính phủ và Nhân dân Campuchia đã giúp đỡ Việt Nam có hiệu quả. Từ ngày 28-8-2000, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định về việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho các Đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, các đội quy tập của Quân khu 7 đã cất bốc và hồi hương 9.653 hài cốt liệt sĩ.
Lịch sử chứng minh mối quan hệ Việt Nam - Campuchia trải qua nhiều thăng trầm, nhưng luôn phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, cần nghiên cứu, đánh giá sâu rộng và phát huy hơn nữa. Kết quả hợp tác đạt được giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay càng cho thấy tính cần thiết và cần có của mối quan hệ láng giềng hữu nghị này. Những thành tựu và trở ngại trong quan hệ hai nước đều có tác động sâu sắc đến tình hình chung của mỗi nước cũng như đối với khu vực.
Quá trình triển khai mối quan hệ hợp tác với Việt Nam - Campuchia có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác những lợi thế so sánh do gần kề về mặt địa lý, đặc biệt thông qua các cảng biển của Việt Nam. Campuchia có thể đẩy mạnh chương trình xuất khẩu, trao đổi buôn bán với các quốc gia ngoài khu vực. Hơn nữa, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, Việt Nam còn trở thành một đối tác quan trọng để Campuchia thực hiện chính sách cân bằng sức mạnh chiến lược. Campuchia có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam bởi những nhu cầu kinh tế gắn liền với những lợi ích về an ninh - chính trị và hợp tác khu vực. Campuchia có vai trò là một trong những cửa ngõ nối dài về phía Tây giúp Việt Nam tiến sâu vào lục địa bằng tuyến đường xuyên Á, trong khi đó Việt Nam trở thành cầu nối giúp Campuchia hướng về phía Đông, mở rộng quan hệ quốc tế thông qua tuyến giao thương hàng hải. Do đó, dù muốn hay không và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Việt Nam và Campuchia vẫn không thể tách rời nhau và thường xuyên có mối quan hệ tương hỗ.
Thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong tương lai, quan hệ quốc tế có thể nảy sinh những vấn đề khó khăn, thách thức, nhưng có thể khẳng định trong những năm tới, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam- Campuchia vẫn đi theo xu hướng tích cực, ngày càng xích lại gần nhau và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.