Truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con, nói rõ điều này. Vua Hùng và con cháu, đều là hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ, là chủ nhân sớm nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng, cùng chung sức, chung lòng khai hoang, tìm giống, rồi trồng lúa làm nguồn sống chính. Thế là “nền văn minh lúa nước” ra đời từ đấy.
Trồng lúa, phải có phân, cần, giống, ba thứ quan trọng nước. Khi cuộc sống mới thoát thai hoang dã, đang tiến đến thời kỳ sơ khai, đời sống con người, cùng công việc lao động còn phụ thuộc và bị thiên nhiên chi phối, thì mưa rất quan trọng với việc trồng lúa nước. Quan niệm của người xưa, cho là Rồng phun ra nước, tức Rồng làm cho mưa, ra nước. Và Rồng có tài hút được nước và phun ra nước.
Chính vì sự gắn bó và hy vọng tốt đẹp đó mà người Việt có nhiều nét đậm tình đậm nghĩa, với hình ảnh đậm nét của Rồng trong đời sống. Thực tế đã chỉ rõ qua thần thoại, huyền thoại và sự tích như: Sự tích Thăng Long - Rồng bay lên (ở Đại La - Hà Nội), sự tích Vịnh Hạ Long - Rồng hạ cánh (ở Quảng Ninh), còn là vịnh Bái Tử Long (cung kính Rồng), đảo Bạch Long Vĩ (Rồng trắng), sông Cửu Long (chín Rồng), sông Hoàng Long (Rồng vàng)…
Rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội, con người, nên ở nhiều di tích, công trình xây dựng, Rồng được hiện hình, có khi hàng đàn, có khi bên cạnh Rồng còn có hình người nông dân đang cày ruộng…
Với ước vọng của con người, Rồng còn có nghĩa tượng trưng cho sự khỏe mạnh, cao lớn, phi thường, qua các thành ngữ: “Phủ Đầu Rồng”, “Ăn như Rồng cuốn”. Trong tâm linh và tưởng tượng, Rồng cũng hiện ra, với hình ảnh người ta nghĩ ra có hình hài quái dị, phi lí, khác thường, qua hình tượng như các từ: Rồng đất, Rồng tre, con tôm rồng, ma cà rồng, cây xương rồng...
Không chỉ thế, Rồng còn có ở cung điện, dinh thự của vua chúa, tổng đốc, trên đình, chùa, trong đĩa, bát gốm, sứ… với những hình ảnh, dáng vẻ theo từng cảnh trí, vật dùng, đồ dùng với sự mong ước, mỹ cảm của con người.
Rồng cũng có kết cấu khá tinh xảo, đầy ý nghĩ, được trang trí bằng vật liệu quý hiếm, thể hiện ở những vị trí trang trọng như: Long hàm thọ (Rồng ngậm chữ thọ), Lưỡng long chầu nguyệt (hai Rồng chầu mặt trời). Rồng còn hiện ra qua hình ảnh: Long ẩn (Rồng lúc ẩn, lúc hiện giữa sóng nước, trời mây), ở cánh cổng Văn Miếu (Hà Nội). Hoặc Rồng được cách điệu thành “Vân hóa Long ” - tức là mây được cách điệu thành Rồng, từ một vật như một cây trúc, một khúc tre, khúc gỗ, một cây mai, một chiếc lá, một đám mây, con cá như cá chép…
Tất cả đều mô phỏng hình tượng con Rồng chính thống và mong ước mỹ cảm, chính đáng… Đó là hiện tượng “hóa Long” như , trong số 82 bia Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu (Hà Nội), có 55 đôi khắc Rồng trên trán bia, thì có 44 đôi có cách điệu Rồng là: vân hóa Rồng - mấy cách điệu thành hình con Rồng; hoặc “ngư Long hí thủy”- tức là rồng đang cùng cá gáy đùa rỡn trong sóng nước biển khơi, giữa trời mây nước biếc… Đây là những tranh thờ, vẽ Rồng đặt nơi thờ cúng.
Như thế, thấy Rồng gắn bó, hòa hợp một cách thân gần, biểu tượng phong phú, đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Rồng là con vật huyền thoại, nó đẹp và diệu kỳ không gì tả thế, so được, qua trí tưởng tưởng của con người vô cùng phong phú. Vì vậy, năm Thìn (2024) là năm đẹp và nhiều thành công…