(QK7 Online) - Tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7, chiều ngày 10-10, Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chủ trì hội thảo xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.
Dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trên địa bàn Quân khu; các cơ quan Bộ Quốc phòng và Quân khu 7.
Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN chủ trì hội thảo.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu tham dự hội thảo.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo cho thấy, thời gian qua Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã quan tâm, chăm lo củng cố, xây dựng lực lượng DQTV có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên việc xây dựng lực lượng DQTV để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cả về cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp.
Trung tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục DQTV trình bày đề dẫn tại hội thảo.
Từ những quy định của pháp luật về DQTV, chế độ, chính sách đối với DQTV và những thực trạng trong tổ chức xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV; những vướng mắc bất cập hiện nay... Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều đồng thuận cao với đánh giá của đề dẫn và những định hướng đặt ra trong thời gian tới.
Lãnh đạo các địa phương tham dự hội thảo.
Trong đó tập trung kiến nghị liên quan đến định mức trợ cấp ngày công lao động cho dân quân so với lao động tự do chênh lệnh khá cao; chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ đặc biệt, đặc thù; vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực; chế độ, chính sách đối với Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã. Quy định về trình độ chuyên ngành và độ tuổi nghỉ hưu của cán bộ Ban CHQS xã chưa thống nhất giữa Luật DQTV với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chưa bảo đảm các loại súng pháo để trang bị cho các đại đội phòng không, pháo binh DQTV nên công tác huấn luyện cho các đơn vị còn gặp khó khăn, không tổ chức huấn luyện theo chuyên ngành mà phải sử dụng các loại pháo không đúng theo biên chế...
Thủ trưởng các cơ quan Quân khu tham dự hội thảo.
Kết luận tại hội thảo, Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đánh giá. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật Dân quân tự vệ (từ năm 2019) và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Những ý kiến góp ý từ các ngành, các địa phương là rất cần thiết, đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đối với xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV. Quân khu 7 chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố điều chỉnh đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ; các địa phương có quy hoạch, kế hoạch từng bước đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc; quan tâm đào tạo, sử dụng cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ban CHQS cấp xã, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở...
Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN
“Thủ trưởng Bộ Quốc phòng rất chia sẻ và nhận rõ những bất cập, vướng mắc sau hơn 2 năm thực hiện Luật DQTV, xuất phát từ thực tiễn, có nhiều nội dung không phù hợp cần phải thay đổi. Sau hội thảo này, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến từ các đơn vị, địa phương trong cả nước. Tổ chức trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành Trung ương trước khi hoàn chỉnh báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Đối với Quân khu 7
Sau một thời gian triển khai thực hiện đề án, lực lượng DQTV Quân khu đã tiếp tục được củng cố, có số lượng phù hợp, chất lượng tổng hợp được nâng lên và hoạt động hiệu quả. Đến nay DQTV Quân khu được biên chế ở 100% đầu mối, đạt 1,26% so với dân số, được biên chế thành các đơn vị DQTV tại chỗ, cơ động, thường trực, biển và các đơn vị DQTV binh chủng. 100% xã trên địa bàn đều đã thành lập chi bộ quân sự, trong đó 1.036 chi bộ có cấp ủy, đạt 99,39%. Quân khu và các địa phương có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với địa bàn, mang tính đột phá về công tác DQTV được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đánh giá cao. Các cơ quan, địa phương, đơn vị DQTV thực hiện thành nề nếp công tác tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy, tổ chức huấn luyện, hội thi, hội thao DQTV. Thực hiện đề án của Chính phủ về “Đào tạo cán bộ quân sự Ban CHQS xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở”. Từ năm 2011 đến nay, toàn Quân khu đào tạo 3.000 đồng chí dân quân trình độ đại học, cao đẳng, bố trí sử dụng hợp lý, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhiều đồng chí đã phát triển giữ các chức vụ cao hơn trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7
"Với những chiến sĩ “sao vuông” trên địa bàn Quân khu 7, các hoạt động thường xuyên đã trở thành nề nếp và dấu ấn lớn nhất trong đại dịch Covid-19, đó là đã có trên 7 triệu lượt dân quân với gần 50 triệu ngày công phục vụ tại các điểm chốt, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tham gia triển khai các mô hình do địa phương phát động... Nhiều tập thể, cá nhân DQTV được Thủ tướng Chính phủ, Quân khu và UBND các cấp khen thưởng..."
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước
“Chúng tôi mong rằng những vấn đề bất cập đã được nhận rõ cần sớm có sự điều chỉnh, đó là chế độ chính sách tiền lương, với đà phát triển hiện nay, mức lương và phụ cấp hàng tháng của Chỉ huy trưởng và Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã là thấp. Đó cũng là lý do nhiều đồng chí xin chuyển ngành, thiếu động lực gắn bó với công việc, dẫn đến công tác đào tạo, tìm nguồn thay thế khó khăn, gây lãng phí ngân sách đào tạo, làm ảnh hưởng đến kết quả công tác quân sự quốc phòng ở cơ sở. Bên cạnh đó mức trợ cấp ngày công lao động cho DQTV so với lực lượng Dự bị động viên khi có quyết định huy động, điều động có sự chênh lệch lớn, gây khó khăn trong việc xây dựng, huấn luyện và hoạt động của DQTV. Một vấn đề nữa đó là vướng mắc liên quan đến Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế không thống nhất, còn chồng chéo dẫn đến thiệt thòi cho DQTV, gây khó khăn cho địa phương, cơ sở trong tổ chức thực hiện”.
Thế Anh