Để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào LLVT Quân khu, Cục Hậu cần đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ phù hợp được các đơn vị chủ động thực hiện nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch xảy ra trong đơn vị. Việc chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng làm công tác chăn nuôi, chế biến hiểu rõ về sự nguy hiểm của dịch, dấu hiệu nhận biết bệnh, cách phòng chống bệnh kịp thời, tránh gây tâm lí hoang mang lo sợ quá mức ảnh hưởng tới công tác chăn nuôi luôn được các đơn vị coi trọng.
Trong thời gian này, các đơn vị đã không mua lợn từ bên ngoài không rõ nguồn gốc để nuôi hoặc giết mổ cho bộ đội sử dụng.Nếu phát hiện lợn có dấu hiệu hoặc nghi ngờ có bệnh dịch, đơn vị báo ngay với chỉ huy và cơ quan thú y địa phương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuyệt đối đơn vị không giấu dịch, không vận chuyển từ nơi có dịch đi nơi khác, không giết mổ lợn bệnh để tránh làm dịch lây lan.
Sư đoàn 302 đóng quân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là địa phương có dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, mặc dù dịch chưa lây lan vào đàn lợn của Sư đoàn, tuy nhiên, đơn vị không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Đến thời điểm này, đơn vị khẳng định công tác phòng chống dịch được đảm bảo đồng bộ, đúng quy trình, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đời sống cho bộ đội.
Tại Lữ đoàn 26, hiện nay đơn vị đang nuôi trên 100 con lợn thịt. Sau khi nhận được công điện của Cục Hậu cần Quân khu về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.Cụ thể là tổng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi. Nguồn thức ăn cho lợn đơn vị không mua ngoài, chỉ sử dụng thức ăn dư thừa đã nấu chín tại đơn vị cho đàn lợn. Trong công tác giết mổ, đơn vị bảo đảm vệ sinh an toàn, xử lí các chất thải để tránh lây nhiễm. Đơn vị hạn chế tối đa người ra vào khu chăn nuôi để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Hiện nay, đàn lợn của đơn vị phát triển tốt, chưa có bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến dịch bệnh, góp phần ổn định tư tưởng, đảm bảo duy trì nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn cho bộ đội.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa có vắc-xin đặc trị. Vì vậy, việc chủ động làm tốt công tác phòng ngừa là biện pháp tốt nhất các đơn vị cần tập trung thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch, qua đó góp phần đảm bảo tốt đời sống bộ đội.