Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Từ TP Biên Hòa, vượt khoảng 120km, chúng tôi về Xuân Trường tìm gặp bà Thuận. Trong căn nhà được xây khang trang, nằm trong khu vườn rộng rợp bóng cây ăn quả tại ấp Trung Nghĩa, bà Thuận kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của bà, nhất là về những năm tháng hào hùng chiến đấu cùng Đội nữ pháo cối Xuân Lộc anh hùng.
Bà Thuận nhớ lại: Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Huyện ủy Xuân Lộc chủ trương đẩy mạnh hoạt động ở vùng nông thôn, đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, từ đó Đội nữ pháo cối Xuân Lộc được thành lập và tôi được cấp trên phân công làm đội trưởng.
Thời điểm này tôi rất bất ngờ, vì bản thân chưa có khái niệm làm lãnh đạo, cả đơn vị lúc đó chỉ có 5 đồng chí, trong đó người lớn nhất là 23 tuổi, nhỏ nhất là 17 tuổi, sức vóc nhỏ bé, trình độ về pháo binh hạn chế nhưng được huyện đội động viên, sự chỉ đạo sát sao của cấp trên nên Đội nữ pháo cối Xuân Lộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều chiến công vang dội.
Trong đó, trận đánh đáng nhớ nhất là chiến dịch giải phóng Xuân Lộc”. Trong chiến dịch này, đại đội bà Thuận được phân công sử dụng súng cối để yểm trợ bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, phá hủy các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh của địch dọc Quốc lộ 1, khu vực đồn Cầu Sập (xã Suối Cát ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào.
Sau giải phóng, rời quân ngũ, bà Thuận được Nhà nước đưa đi học thêm bổ túc văn hóa rồi học chuyên ngành luật và công tác trong ngành tư pháp của huyện Xuân Lộc. Bên cạnh đó, bà Thuận còn bắt tay vào làm kinh tế nông nghiệp. Nhờ ý chí, nghị lực của người lính, bà Thuận vay vốn ngân hàng để mua rẫy trồng các cây dài ngày. Chỉ sau một thời gian, cây trồng cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao, giúp cho kinh tế gia đình bà Thuận vượt lên, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Nhờ vậy mà bà Thuận nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn, giúp đỡ đồng đội và người dân địa phương. Ba người con gái của bà Thuận, hiện giờ đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, có người đã lập gia đình và về sống cùng gia đình tại huyện Xuân Lộc.
Nghĩa tình với đồng đội
Dù sức khỏe yếu, đi lại khó khăn do trong người vẫn còn mang 2 mảnh đạn của chiến tranh nhưng bà luôn chia sẻ với những đồng đội từng vào sinh ra tử, sát cánh bên nhau trên chiến trường xưa. Bà quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tích cực vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây nhà ở, lắp điện chiếu sáng, tiền cho con của đồng đội cũ đi học... Tính đến nay bà Thuận hỗ trợ xây dựng được 6 căn nhà tình nghĩa cho các các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Lê Thị Ba, ngụ xã Bình Lộc, thành phố Long Khánh, một trong những đồng đội của bà Thuận kể, sau khi hòa bình, bà lấy chồng rồi rời quê theo chồng ra thành phố Hải Phòng sinh sống. Do ảnh hưởng của chiến tranh nên hai đứa con của bà sinh ra không được bình thường như người khác. Sau khi ly hôn, bà Ba đưa con quay lại thành phố Long Khánh xin ở nhờ nhà của chị gái và rất may, bà Thuận biết được hoàn cảnh khó khăn của đồng đội cũ nên đã kêu gọi chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa cho 3 mẹ con và còn vận động mạnh thường quân quyên góp, tặng cho bà Ba một số vốn đề làm ăn.
Còn trường hợp bà Nguyễn Thị Minh, ngụ xã Bảo Chánh, huyện Xuân Lộc, sau khi giải phóng xong thì rời khỏi địa phương và mất hết giấy tờ tùy thân. Bà Thuận làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị cấp lại giấy tờ lại cho cho bà Minh. Thấy bà Minh gia cảnh khó khăn, bà Thuận còn nhận nuôi một người con của bà Minh khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn, có ông ăn việc làm ổn định. Và có thể kể thêm trường hợp bà Thuận vận động chính quyền địa phương và các mạnh thường quân góp tiền xây nhà tình thương cho gia đình ông Nguyễn Văn Hương, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ...
Ông Phạm Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Xuân Lộc cho biết, Hội CCB xã Xuân Trường có khoảng 170 hội viên, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được lan tỏa trong các hội viên. Trong đó, bà Thuận là một trong những gương CCB điển hình tiên tiến của huyện Xuân Lộc, một nữ thương binh “tàn nhưng không phế”. Dù ở bất cứ cương vị nào, bà Thuận luôn nêu cao phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, tích cực tham gia và luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời chiến cũng như thời bình.