Một góc thành phố Gia Nghĩa
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025 mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có thông tin về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, trong tháng 2/2025 sẽ trình, thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Tiếp theo, sẽ thực hiện công tác lựa chọn Nhà đầu tư, thực hiện bước thiết kế kĩ thuật. Dự kiến tháng 9/2025 sẽ khởi công dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, cơ bản hoàn thành cuối năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Ngoài ra, Đắk Nông đang phối hợp với các tỉnh trong vùng triển khai các dự án liên kết vùng như cao tốc Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa, đường động lực Gia Nghĩa - Bảo Lâm và tuyến Đắk Nông - Cảng biển Cà Ná.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: (1) tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chiều dài 160 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (Đắk Nông), chiều dài 105 km, quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; (3) tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (CT.23), chiều dài 220 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Liên quan đến tuyến đường kết nối Tây Nguyên với tỉnh Ninh Thuận, năm 2023, HĐND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua dự án xây dựng Tuyến đường động lực kết nối cảng Cà Ná lên khu vực nam Tây Nguyên tổng kinh phí 2.100 tỷ đồng.
Đường kết nối dài 41 km, chia làm hai đoạn: đoạn 1 dài 38 km từ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) xuống cao tốc Bắc Nam tại xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam); đoạn 2 dài 3 km từ khu công nghiệp Cà Ná đến cảng tổng hợp cùng tên. Công trình được chuẩn bị đầu tư trong năm nay, dự kiến hoàn thành sau 6 năm; kinh phí từ Trung ương và tỉnh.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giúp chở hàng hóa, quặng bôxit Tân Rai - Nhân Cơ, xuất khẩu nông sản của các tỉnh Tây Nguyên qua cảng Cà Ná. Tuyến còn kết nối các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ cảng biển, năng lượng sạch và logistics; phát triển kinh tế biển, đô thị biển, du lịch địa phương...
Cảng Cà Ná gồm 17 bến tàu, trước đó được đầu tư 6.500 tỷ đồng để xây bến, bãi, kho, công trình phụ trợ. Đây là cảng nước sâu địa thế thuận lợi và là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển ở Đông Nam Bộ.
Phong Vân