Để phát huy hết khả năng chiến đấu của lực lượng PPK góp phần giành thắng lợi cho chiến dịch, nghệ thuật tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PPK căn cứ vào kế hoạch và ý định của Tư lệnh chiến dịch. Bộ đội PPK là lực lượng chủ yếu đánh các loại máy bay chiến thuật trực tiếp bảo vệ một số mục tiêu trọng điểm quốc gia; đồng thời đón lõng để đánh máy bay bổ nhào, bay thấp, đột nhập bất ngờ. Các đơn vị PPK tầm trung bố trí trên các trận địa “bí mật” có nhiệm vụ hiệp đồng chặt chẽ cùng các đơn vị tên lửa phòng không (TLPK) và KQ đánh các loại máy bay trong đội hình bảo vệ B-52.
Trong quá trình tác chiến chiến dịch đã xác định rõ nhiệm vụ tiêu diệt máy bay B-52 là nhiệm vụ chủ yếu, lấy lực lượng TLPK làm nòng cốt để sử dụng và bố trí lực lượng súng, PPK phù hợp với điều kiện tác chiến chiến dịch.
Một là, sử dụng và bố trí các đơn vị pháo PPK 37mm trực tiếp bảo vệ các mục tiêu vòng ngoài và bảo vệ các đơn vị TLPK. Đây là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch phòng không. Quá trình chiến dịch: khi phát hiện địch tập trung chế áp các trận địa tên lửa, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ động sử dụng các đơn vị PPK 37mm và một số đơn vị PPK 57mm bố trí bảo vệ các đơn vị TLPK. Sau đợt 1 của chiến dịch, tất cả các tiểu đoàn TLPK ở Hà Nội đều được tăng cường súng, PPK, các đơn vị tên lửa trên các trận địa chốt quan trọng đều bố trí một tiểu đoàn PPK bảo vệ. Các mục tiêu trọng điểm về kinh tế, chính trị của Hà Nội, chỉ để lại một số đại đội của 2 Trung đoàn PPK 220 và 260, còn tất cả tập trung bảo vệ các đơn vị tên lửa để đánh B-52. Đợt 2 chiến dịch còn tăng cường thêm 3 Trung đoàn PPK 262, 223 của Sư đoàn PK 365 đi bảo vệ tên lửa. Tổng cộng lực lượng PPK tăng lên đến 7 trung đoàn, được bố trí rộng khắp, lực lượng pháo và súng máy PK của dân quân tự vệ Hà Nội được triển khai thêm trên các nóc nhà cao tầng và quanh các trận địa tên lửa, bố trí đón lõng các hướng để đánh máy bay bay thấp và cực thấp F-111 bay qua. Các đơn vị PPK đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ các trận địa tên lửa một cách hiệu quả, có đơn vị đã bắn rơi F-4 tại chỗ, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa như Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 244 Sư đoàn PK 361.
Hai là, nghệ thuật sử dụng và bố trí PPK 57mm để bảo vệ một số mục tiêu trọng điểm. Các trận địa PPK 57 được bố trí bí mật với cự ly thích hợp để bảo vệ những mục tiêu trọng điểm; đồng thời có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu liên tục cả ban ngày và ban đêm với các loại máy bay cường kích của địch, nhiều đơn vị PPK chủ động, sáng tạo trong bố trí, sử dụng lực lượng PPK bắn rơi tại chỗ máy các loại máy bay cường kích A-7 và A-6 của Mỹ. Một số đơn vị bị bom B-52 ném trúng như Đại đội 71, Trung đoàn 212, Sư đoàn PK 361 bảo vệ ga Yên Viên, nhưng do làm tốt hệ thống công sự phòng tránh, ngụy trang nghi binh nên đã hạn chế đáng kể tổn thất về người và khí tài.
Ba là, sử dụng và bố trí các đơn vị PPK 100mm của các đơn vị thuộc Sư đoàn PK 361 gồm 4 đại đội giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô được tổ chức, bố trí hình thành thế trận hiểm hóc, tạo ra “tọa độ lửa”. Cán bộ khẩu đội, pháo thủ số 2, cán bộ trung đội và trắc thủ đo cự ly của máy chỉ huy đều do các chiến sĩ pháo thủ đảm nhiệm. Cán bộ đại đội bố trí xen kẽ đặt dưới sự chỉ huy của trung đoàn, các đại đội bố trí xung quanh khu vực nội thành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị TLPK và các đơn vị PPK. Pháo 100mm của tự vệ Hà Nội đã hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với bộ đội tên lửa đánh trả mãnh liệt vào đội hình B-52 của địch.
Bốn là, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PPK dân quân tự vệ. Đây là lực lượng phòng không dân quân tự vệ rộng khắp, được bố trí thành từng tổ, từng cụm đón lõng đánh máy bay bay thấp, và cực thấp đột nhập bất ngờ. Các đơn vị phòng không dân quân tự vệ sẵn sàng chiến đấu cao như các trận địa súng máy bố trí tại trận địa Phà Đen, Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ máy bay F-111A; dân quân Hòa Bình bắn rơi 1 máy bay lên thẳng HH-53 đến cứu giặc lái. Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội PPK là lực lượng đông đảo nhất trong chiến dịch, có khả năng đánh lâu dài liên tục, cơ động nhanh, ứng phó kịp thời các tình huống để bảo vệ các mục tiêu quan trọng, bảo vệ các trận TLPK, radar, sân bay. Bộ đội PPK đã đánh 1.191 trận, sử dụng gần 100.000 viên đạn và bắn rơi 25 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B-52, bắn rơi 30,8% trong tổng số máy bay bắn rơi trong 12 ngày đêm. Pháo PPK đánh trong điều kiện phức tạp đã tích cực sử dụng khí tài bắn bằng phần tử tổng hợp, trong nhiệm vụ bảo vệ tên lửa, các đơn vị PPK đã chiến đấu quyết liệt, bắn rơi máy bay địch, bảo vệ trận địa an toàn.
Lực lượng PPK dân quân tự vệ trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972 đã bắn rơi 11 máy bay địch, số máy bay mà dân quân tự vệ bắn rơi chiếm 13,8% trong tổng số máy bay bị bắn rơi.
Thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, chúng ta có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm về nét độc đáo của nghệ thuật sử dụng và bố trí súng PPK trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972 là:
Thứ nhất, sử dụng và bố trí súng PPK đánh các loại máy bay cường kích bay thấp, bổ nhào là phù hợp. Trong chiến dịch, địch sử dụng nhiều loại máy bay, mỗi loại lại có tính năng khác nhau. Lực lượng PPK của ta cũng vậy, nên việc xác định sử dụng và bố trí súng PPK đánh các loại máy bay cường kích là phù hợp với trình độ, khả năng tác chiến, sở trường, cách đánh và trang bị, nên đã phát huy được sức mạnh của các loại súng PPK, góp phần giành thắng lợi chiến dịch.
Thứ hai, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PPK trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của chiến dịch đề ra là hợp lý. Việc sử dụng PPK 57 ly trực tiếp bảo vệ mục tiêu trọng điểm, rút các lực lượng PPK 37mm đi bảo vệ trận địa TLPK, radar vừa bảo toàn được lực lượng của ta, tránh sát thương của bom máy bay B-52, vừa tập trung các lực lượng bảo vệ các đơn vị ra đa, TLPK và sân bay có hiệu quả, lực lượng nòng cốt đánh máy bay B-52, quyết định thắng lợi của chiến dịch. Việc sử dụng PPK 100 ly của chiến dịch thể hiện được tư tưởng tích cực tiêu diệt địch.
Thứ ba, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng PPK còn thể hiện ở nét độc đáo, sáng tạo trong tổ chức kết hợp các lực lượng tạo thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân đất đối không đánh địch trên địa bàn chiến dịch. Súng, PPK đã kết hợp với các lực lượng TLPK, KQ, radar trong Quân chủng PK-KQ và kết hợp với lực lượng PK của Quân khu, Quân đoàn và lực lượng phòng không dân quân tự vệ của địa phương; tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, hiểm hóc, rộng khắp, chủ động, phát hiện đánh địch từ xa, trên mọi độ cao, trên các hướng địch bay vào, cả phía trước, phía sau và hai bên sườn; khiến cho địch bị bất ngờ, không giữ vững được đội hình và ý định đánh phá. Tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng trong chiến dịch, phát huy sở trường cách đánh, bắn rơi nhiều máy bay địch tại chỗ, bắt sống giặc lái.
Thứ tư, một trong những nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch là bắn rơi tại chỗ những máy bay đến cứu giặc lái mà không một giặc lái nào được cứu thoát. Việc bắt giặc lái là do lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng của Nhân dân và lực lượng của bộ đội kết hợp với nhau trong và ngoài địa bàn chiến dịch; tạo nên một bức tranh sinh động về chiến tranh Nhân dân đất đối không. Nghệ thuật bắt giặc lái và đánh máy bay đến ứng cứu giặc lái trở thành truyền thống đánh giặc của Nhân dân ta.
Ngày nay tình hình thế giới và khu vực đang diễn ra phức tạp, các thế lực thù địch tiến hành chiến tranh kiểu mới, lấy tác chiến đường không hiện đại sử dụng vũ khí công nghệ cao để thực hiện chiến tranh phi tiếp xúc. Đối tượng tác chiến của các lực lượng súng, PPK không chỉ có máy bay cường kích bay thấp bổ nhào mà còn cả tên lửa hành trình, máy bay tàng hình và các loại máy bay bay thấp, đột nhập bất ngờ phóng bom. Bởi vậy, những bài học kinh nghiệm trên đây cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo linh hoạt vào điều kiện tác chiến mới nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của súng, PPK trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai.
Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân, Quân chủng PK-KQ