Xuất khẩu gạo đạt 5,7 tỷ USD nhờ chất lượng và giá bán tăng, giữ vững vị thế hàng đầu thế giới. Cà phê mang về 5,2 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng nhờ giá trị gia tăng từ càphê chế biến và nhu cầu từ thị trường EU.
Giá cà phê xuất khẩu tăng cao là nguyên nhân chính giúp cho cà phê Việt Nam đạt cột mốc quan trọng này về xuất khẩu. Bởi trong năm 2024, do sản lượng giảm khiến cho lượng cà phê xuất khẩu giảm khá nhiều. Trong 11 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu là hơn 1,2 triệu tấn, giảm tới 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh ấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 11 tháng qua lại tăng tới hơn 35% nhờ giá tăng cao kỷ lục.
Trong tháng 10, giá bình quân cà phê xuất khẩu đạt 5.720 USD/tấn, là mức cao nhất trong lịch sử và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 11, giá bình quân cà phê xuất khẩu giảm nhẹ so với tháng 10, nhưng vẫn ở mức rất cao là 5.581 USD/tấn. Nhờ vậy, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đạt bình quân 4.052 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, năm 2024, cà phê là sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Xuất khẩu hạt điều hướng tới đạt 4,3 tỷ USD, giữ vững vị trí hàng đầu thế giới với sản phẩm chế biến sâu. Việc xuất khẩu hạt điều vượt mốc 4 tỷ USD, chủ yếu do tăng mạnh về lượng xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/12, lượng hạt điều xuất khẩu đã đạt 696 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với lượng xuất khẩu kỷ lục trong năm 2023 (644 nghìn tấn). Như vậy, đến hết năm nay, chắc chắn lượng hạt điều xuất khẩu sẽ có lần đầu tiên vượt mốc 700 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tăng cũng góp phần vào kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.873 USD/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống nhìn chung tăng trưởng tốt trong năm nay, trong đó có nhiều thị trường tăng 2 con số. Cụ thể, 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Hoa Kỳ tăng 33%, Trung Quốc tăng 14%, Hà Lan tăng 14%, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 75%, Đức tăng 24%, Canada tăng 30%...
Xuất khẩu thủy sản năm 2024 về đích ấn tượng với 10 tỷ USD, gồm: tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD; nhuyễn thể khác 14,5 triệu USD.
Lâm nghiệp tiếp tục dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2024 ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 16,3 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu của toàn ngành lâm nghiệp năm 2024 lên tới khoảng 14,4 tỷ USD.
Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã kí kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu với mức cao trên 24 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Phương Vũ